Theo Đài Australia, lượng phóng xạ Polonium-210 trong thuốc lá gây khoảng 2% các trường hợp tử vong do thuốc lá, tương đương với khoảng vài nghìn ca tử vong chỉ tính riêng ở Mỹ.
Kim loại phóng xạ trong thuốc lá là polonium-210. Chất này được vợ chồng nhà khoa học Marie và Pierre Curie phát hiện năm 1898. Polonium-210 cực kỳ độc hại (độc hại hơn khoảng 250 triệu lần so với chất cực độc xianuya) và thường có trong urani tự nhiên.
Các nước phát triển sử dụng phân bón hữu cơ được sản xuất từ đá apatít, loại đá trong tự nhiên chứa urani và chất này phân hủy thành chất phóng xạ polonium-210, thẩm thấu vào cây thuốc lá qua rễ và lá.
Khi thuốc lá cháy, nó đạt tới nhiệt độ 600-800 độ C, cao hơn nhiệt độ nóng chảy của polonium. Polonium nóng chảy dính vào các hạt li ti trong khói thuốc lá và sau đó đọng lại ở trong đường hô hấp và phổi người.
Polonium-210 có chu kỳ nửa phân rã ngắn - 138 ngày. Đó là chất phóng xạ mạnh và phóng các hạt anpha vào các mô xung quanh. Ngoài chất phóng xạ polonium-210, khói thuốc lá còn chứa nhiều loại hóa chất bị cho là gây ung thư.
Thuốc lá được phát hiện chứa chất phóng xạ polonium cách đây khoảng nửa thế kỷ. Tuy nhiên, các công ty thuốc lá đã che giấu thông tin này suốt từ đó tới nay. Khi nhận ra có chất phóng xạ polonium trong thuốc lá, các hãng này đã bắt đầu một chương trình nghiên cứu nội bộ bí mật. Họ thậm chí đã tìm ra cách giảm đáng kể lượng polonium trong khói thuốc lá.
Tại công ty thuốc lá RJ Reynolds, "người khổng lồ" trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá, một báo cáo nội bộ cho biết "việc loại bỏ chất phóng xạ polonium trong thuốc lá sẽ làm mất lợi thế trong thương mại".
Con người mỗi năm hút khoảng 6 nghìn tỷ điếu thuốc, đủ để tạo ra một sợi dây dài từ Trái Đất tới Mặt Trời và ngược lại. Tới năm 2020, thuốc lá sẽ gây tử vong khoảng 10 triệu người mỗi năm. Thuốc lá đã giết hại 100 triệu người trong thế kỷ 20 và nếu không giảm lượng thuốc hút, trong thế kỷ 21 sẽ có khoảng 1 tỷ người tử vong vì thuốc lá./.