(Baonghean) - Thực hiện Quyết định 799/QĐ-TTg ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động Quốc gia “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (REDD+)”, giai đoạn 2015 - 2020, ngày 23/12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 5337/QĐ-BNN-TCLN về “Đề án thành lập Quỹ REDD+ Việt Nam”. 

Theo đó, ở nước ta chỉ có một Quỹ REDD+Việt Nam được tổ chức theo mô hình: Hội đồng quản lý - Ban quản lý- Ban cố vấn kỹ thuật... đặt tại Hà Nội, chịu sự chỉ đạo của Bộ NN& PTNT.

Quỹ có nhiệm vụ: Tiếp nhận các khoản đóng góp, viện trợ của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài và trong nước cho REDD+; Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính chi trả cho các hoạt động:

Vận hành chương trình REDD+ của Việt Nam (như xây dựng và vận hành Hệ thống theo dõi tài nguyên rừng quốc gia - NFMS, Hệ thống thông tin về các biện pháp đảm bảo an toàn - SIS,...); Các chính sách và giải pháp quốc gia phù hợp với Chương trình hành động Quốc gia về REDD+; các Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh; Thực hiện các chương trình: giảm phát thải, hỗ trợ Chính phủ trong các hoạt động nghiên cứu, chi phí vận hành Quỹ REDD+; Thẩm định, xét chọn, phê duyệt và thực hiện giải ngân cho các chương trình, dự án, hoạt động nhận kinh phí từ Quỹ REDD+; Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tuân thủ chế độ thông tin, báo cáo theo thỏa thuận với các đối tác, phù hợp với pháp luật Việt Nam và quy định quốc tế. 

images1705225_bna_57f3cf1e491c9.jpgBà con huyện Yên Thành chuẩn bị keo giống phục vụ trồng rừng. Ảnh: Phú Hương

Quỹ REDD+ có quyền hạn: 

- Quyết định phân bổ kinh phí các chương trình dự án hoặc các hoạt động phi dự án theo kế hoạch hàng năm; 

- Quản lý, sử dụng các nguồn tài chính phù hợp các thỏa thuận và hiệp định tài trợ mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với các đối tác, các nhà tài trợ quốc tế; 

- Ký hợp đồng, thỏa thuận tài trợ lại với các đối tượng tiếp cận Quỹ REDD+; 

- Giám sát, kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động được Quỹ hỗ trợ; 

- Đình chỉ, thu hồi kinh phí đã hỗ trợ khi phát hiện các tổ chức, cá nhân triển khai chương trình, dự án, các hoạt động không đúng nội dung được phê duyệt, vi phạm cam kết về sử dụng kinh phí hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật Việt Nam, vi phạm các quy định, thông lệ quốc tế về REDD+; 

- Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn liên quan đến Quỹ REDD+.

- Phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho phép Quỹ REDD+ quản lý nguồn ODA hỗ trợ REDD+ theo cơ chế của Quỹ TFF được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công văn số 850/CP-NN ngày 23/6/2004 về việc thành lập Quỹ.

Đối với các tỉnh, thành theo đề án sẽ không thành lập Quỹ REDD+ cấp tỉnh. Vì thế, các cơ quan cấp tỉnh sẽ không có chức năng phân bổ kinh phí, nhưng sẽ nhận kinh phí trực tiếp từ Quỹ REDD+ để thực hiện các hoạt động đã được nêu trong Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh.

Kinh phí sẽ được chuyển thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh sẽ được bổ sung chức năng, nhiệm vụ để tiếp nhận kinh phí cho thực hiện PRAP (hoặc kế hoạch REDD+ tương đương của tỉnh) theo quy định và quy chế quản lý Quỹ REDD+. 

Vì vậy, để thực hiện thành công kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng có vai trò vị trí hết sức quan trọng. Ngoài chức năng tiếp nhận quản lý chi trả ủy thác, còn là tổ chức thay mặt cho Quỹ REDD+ quốc gia hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động cấp tỉnh.

Đó là yếu tố quyết định cho sự thực hiện thành công của chương trình REDD+ không chỉ trong phạm vi tỉnh mà của cấp quốc gia. Do đó thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng sẽ sửa đổi bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ Quỹ REDD+ quốc gia giao. 

Hải Yến

TIN LIÊN QUAN