Trốn khai báo, cách ly...đòi đốt trạm y tế
Tối ngày 12/8, người dân Nghệ An một phen “hoảng hồn” khi hay tin tại huyện Nghĩa Đàn có 1 người trở về từ vùng dịch mà không thực hiện khai báo y tế và sau đó lên cơn sốt, nghi ngờ mắc Covid-19. Thông tin được công bố: Người trở về từ vùng dịch mà không khai báo y tế là anh T.V.L, ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Ngày 26/7, anh L trở về địa phương từ TP. Đà Nẵng song không khai báo y tế. Ngày 5/8, anh này bị sốt và ngày 7/8 thì có đến phòng khám tư khám, điều trị mà không qua trạm y tế. Bệnh tình không thuyên giảm, ngày 12/8, anh L đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn.
Tại Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, bệnh nhân T.V.L mới thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển, quá trình tiếp xúc của mình kể từ thời điểm ở Đà Nẵng về địa phương. Qua lời khai thì được biết bệnh nhân đã đi nhiều nơi và tiếp xúc rất nhiều người...Ngay lập tức, Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân gửi xuống Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An xét nghiệm Covid-19. Bệnh nhân được chuyển sang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc. Trong chiều và tối ngày 12/8, Trung tâm Y tế đã khẩn trương phun khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân; điều tra các trường hợp tiếp xúc gần.
Tối 12/8 và rạng sáng 13/8, người dân cả tỉnh lo lắng, ngóng chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với trường hợp trốn cách ly này. Rất may, kết quả xét nghiệm lần 1 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân T.V.L âm tính với Covid-19...Trong thời gian này, trên mạng xã hội, rất đông người dân tỉnh nhà và nhiều địa phương khác đã lên tiếng kịch liệt phản đối hành vi không khai báo y tế, vô ý thức, thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và vi phạm pháp luật của bệnh nhân T.V.L và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc.
Ở tỉnh Nghệ An, người trở về từ vùng dịch không khai báo y tế, trốn cách ly không phải là hiếm. Đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 bước vào giai đoạn 3 -bùng phát ở Đà Nẵng và các địa phương khác trong cả nước. Bác sĩ Nguyễn Văn Long - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh và bác sĩ Lê Quang Trung - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: Ở cả 2 địa phương này vẫn có những người thiếu ý thức khai báo y tế sau khi trở về vùng dịch. Rất may, với tinh thần phòng chống dịch bệnh cao, người dân của 2 địa phương đều đã kịp thời tố giác những hành vi này đến cơ quan y tế.
Sự thiếu ý thức phòng bệnh cho bản thân, cho cộng đồng của những người trở về từ vùng dịch là rất đáng lên án. Bác sĩ Nguyễn Trọng Di - Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (đảm trách tiếp nhận thông tin về dịch Covid-19 từ đường dây nóng của ngành y tế Nghệ An) chia sẻ sự phẫn nộ: Có người không chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, trở về địa phương, được địa phương truy tìm đưa đi cách ly theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã điện thoại đường dây nóng và hỏi “Em có được hỗ trợ tiền khi đi cách ly không ạ”. Có trường hợp khác, trốn từ Đà Nẵng về, sau khi bị người dân tố giác và đưa đi cách ly thì đã điện đường dây nóng chửi bới, dọa nạt, đòi đốt trạm y tế và thách thức sẽ trốn vào Đà Nẵng lại để mang bệnh về.
Thực tế cho thấy: Lý do người dân trở về từ vùng dịch không khai báo y tế ngoài kém ý thức phòng bệnh còn là do chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật còn nhẹ, cũng như các địa phương chưa mạnh tay trong việc xử lý vi phạm nên chưa có tác dụng răn đe. Một trong số ít vụ đã được xử lý là Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn ra quyết định xử phạt hành chính 1 triệu đồng đối với anh anh V.V.M, 35 tuổi, ở xã Hữu Kiệm về từ Hà Nội trở về Kỳ Sơn mà không chấp hành khai báo y tế vào đầu tháng 8/2020.
Hành vi trốn khỏi nơi cách ly sẽ bị xử phạt hành chính - phạt tiền từ 5-10 triệu đồng, buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế (theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP); chịu trách nhiệm hình sự - bị phạt tù cao nhất đến 12 năm (Điều 240, Luật Hình sự 2015). Với hành vi không khai báo, che giấu dịch Covid-19 bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo Quyết định 219/QĐ-BYT và Nghị định 176/2013/NĐ-CP).
Cần sự hợp tác và vào cuộc quyết liệt hơn
Thông tin từ ngành y tế Nghệ An: Từ đầu tháng 7/2020 đến nay, toàn tỉnh có trên 20.000 người trở về từ vùng dịch. Đại đa số những người trở về vùng dịch đều thực hiện tốt việc khai báo y tế, cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc cơ sở y tế. Các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập địa bàn vẫn luôn hiện hữu khi trên tuyến biên giới vẫn có những đối tượng nhập cảnh trái phép, tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép; có những người từ vùng dịch trở về địa phương mà không khai báo y tế và thực hiện cách ly đúng quy định. Trong cuộc họp trực tuyến giữa ngành y tế và 21 huyện, thành, thị mới được tổ chức, PGS. TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã nêu rõ vấn đề này và yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc rà soát, giám sát các đối tượng này, yêu cầu cách ly theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh Nghệ An.
Để phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm cho từng ban, ngành, địa phương, cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể như: Làm tốt công tác 4 tại chỗ; tăng cường rà soát, lập danh sách, phân luồng, cách ly phù hợp tất cả các trường hợp nghi ngờ, người trở về vùng dịch; lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ... Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức phổ biến, vận động, hướng dẫn mọi người cài đặt ứng dụng Bluezone để phòng chống Covid-19.
Bluezone là ứng dụng truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đồng thời cảnh báo nếu người dùng tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19. Ứng dụng dành cho smartphone chạy iOS và Android. Khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 mới, lịch sử tiếp xúc của người bệnh sẽ được gửi tới các smartphone để đối chiếu. Nếu trùng khớp, người dùng sẽ nhận được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm. Việc cài Bluezone chỉ là một hành động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn để phòng, chống dịch bệnh.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã, công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra và yêu các các công dân từ vùng có dịch trở về phải cách ly y tế theo đúng quy định, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Những công dân từ TP. Đà Nẵng và địa phương có dịch về Nghệ An từ sau ngày 28/7/2020 phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung ở phường, xã, thị trấn đã được phê duyệt.
Sự chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Nghệ An là rất rõ. Các ban ngành, địa phương cũng đã và đang tích cực vào cuộc. Nhưng những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của địa phương sẽ trở nên vô nghĩa khi mà người dân trở về từ vùng dịch thiếu ý thức, thiếu sự hợp tác, cũng như một số địa phương và người dân buông lỏng, coi nhẹ công tác phòng dịch...Thông tin cho biết hiện nay số lượng người Nghệ An đã, đang và sẽ từ vùng dịch trở về rất đông. Nhiều người trong số đó đã không chấp hành Chỉ thị về giãn cách xã hội ngay tại vùng dịch. Như vậy, không ai có thể chắc rằng những con người đó khi về địa phương sẽ thực hiện khai báo y tế, cách ly theo đúng quy định.
Thiết nghĩ: Dịch Covid-19 chỉ có thể giải quyết triệt để khi có Vắc xin. Còn trong giai đoạn này, để phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, không chỉ riêng ngành y và các lực lượng chức năng, mà tất cả địa phương cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt như giai đoạn 1, 2 phòng chống dịch. Biện pháp hữu hiệu đó là tuyên truyền, thống kê các gia đình đang có người ở vùng dịch; yêu cầu các gia đình ký cam kết khi người thân từ vùng dịch chuẩn bị về thì cần báo cho cơ quan chức năng để nắm, theo dõi, giám sát, cách ly theo quy định. Mọi người dân cũng cần tiếp tục nêu cao tinh thần tố giác những người không chấp hành quy định phòng dịch; cơ quan chức năng sẵn sàng thiết lập chốt chặn, tìm kiếm người về từ vùng dịch không khai báo khi cần thiết./.