Khẳng định vai trò vị thế trên các lĩnh vực trong đời sống

Trên thực tế, những đóng góp to lớn của phụ nữ cho gia đình và xã hội, cường độ lao động, tri thức và trí tuệ trong lao động, thời gian lao động... của phụ nữ đã khiến cho nhiều người thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ, trong khi đó, pháp luật và xã hội đã tôn vinh vị thế của họ.

gap_mat_lanh_dao_nu_chu_chot_8217786_20102020.jpgGặp mặt lãnh đạo nữ chủ chốt. Ảnh tư liệu của Phạm Bằng

Những đóng góp của phụ nữđã không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh và còn phát triển chính bản thân người phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Phụ nữ chiếm 50,2% dân số, 49% lực lượng lao động (tương đương với nam giới) nhưng phụ nữ thường làm những công việc nặng nhọc, lương thấp hoặc có mặt nhiều trong vùng kinh tế phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, thời gian nghỉ sinh và nuôi con, cơ hội tìm được việc làm phù hợp sau khi sinh còn thấp.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quỳnh Hoa khen thưởng điển hình tiên tiến cá nhân tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Hội LHPN tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Ở tỉnh ta, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, tạo cơ chế đảm bảo phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nguồn nhân lực 2006 – 2011, trong đó chú trọng thực hiện Đề án 02-ĐA/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Các cấp, ban, ngành địa phương bám theo các văn bản Nghị định về tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ để việc bố trí, bổ nhiệm, đề bạt luân chuyển cán bộ nữ được quan tâm và thực hiện bảo đảm theo đúng quy định, quy trình.

Nữ cán bộ Đoàn liên ngành kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính tại các ngành, đơn vị. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị đã được tỉnh chú trọng triển khai quyết liệt đồng bộ. Do đó, tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đạt tỷ lệ 11,3 %, tăng 3,61% so với nhiệm kỳ trước; Tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 đạt tỷ lệ 16,66 % tăng so với nhiệm kỳ trước 1,1%. Tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 đạt 20,6% tăng 3,8%, so với nhiệm kỳ 2010 – 2015. Có thể thấy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp trong 10 năm qua đều tăng, trong đó tỷ lệ nữ tham gia BCH xã tăng nhiều nhất với 3,8%.

Các mô hình phát triển kinh doanh, phụ nữ khởi nghiệp ngày càng được nhân rộng. Ảnh tư liệu của PV

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng thúc đẩy việc xóa bỏ khoảng cách về giới là tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ vươn lên khởi nghiệp và phát triển kinh tế gia đình. Do đó, các cấp ngành, địa phương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ, nhằm góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Việc giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động cũng được dẩy mạnh. Năm 2020, tỷ lệ nữ tạo được việc làm mới ước đạt 45,2%, vượt kế hoạch giai đoạn đề ra; tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật giai đoạn 2016 – 2020 là 20%. Tỷ lệ nữ vùng nông thôn nghèo, dân tộc được vay vốn ưu đãi giai đoạn 2016 – 2020 đạt 92% vượt 9, 52% so với kế hoạch.

Đảm bảo bình đẳng giới là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội

Trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích tại Hội nghị tỏng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Ảnh tư liệu của Phạm Bằng

Nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện như : Quyết định số 1917/QĐ – UBND.VX về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Luật phòng chống Bạo lực gia đình tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 – 2015; Quyết định số 1643/QĐ-UBND.VX ngày 7/5/2013 về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; Kế hoạch số 511/ KH – UBND ngày 24/ 08/2015 về việc thực hiện đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình hạnh phúc, bền vững” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trên thực tế, tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình vẫn còn cao, tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện và tư vấn tại cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực giai đoạn 2016 – 2020 là 85%. Từ năm 2011 đến nay, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, mở 11 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Kết quả, đã phát hiện, bắt giữ 137 vụ, 256 đối tượng phạm tội mua bán người, trong đó 80% nạn nhân được hưởng các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, đạt 80% kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020.

Đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã và thành phố ký cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu của Công Kiên

Để khắc phục tình trạng bạo hành trên cơ sở giới mà đối tượng chịu tác động là phụ nữ, cần phải thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến phân biệt giới và để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, tiến đến xóa bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời có mang định kiến về giới. Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt, nói chuyện về bình đẳng giới trong các cơ quan, đơn vị, trong các khu dân cư.

Lễ phát động Tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu của Công Kiên

Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và chương trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, phân biệt giới để răn đe trong xã hội. Các trường hợp này cần phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức như: tổ chức các phiên tòa lưu động; tuyên truyền miệng tại tổ dân phố, các khu dân cư; lồng ghép vào các chương trình phát thanh, truyền hình địa phương để tạo hiệu ứng lan tỏa tốt nhất đủ sức cảnh báo, răn đe để người dân biết và không vi phạm.

Tuy pháp luật đã có quy định cụ thể về nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính, nhưng trên thực tế cần bảo đảm cơ chế triển khai thực hiện các quy định này. Cần nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về lợi ích kinh tế và xã hội của bình đẳng giới và nhất là thay đổi tư duy của người sử dụng lao động nhằm xóa bỏ những định kiến và rào cản đối với cả nam và nữ.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế giám sát các cơ sở lao động trong việc thực hiện chế độ thai sản, cung cấp và xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ em để tạo điều kiện tốt nhất cho cả lao động nam và nữ; đảm bảo phụ nữ và nam giới được tạo cơ hội bình đẳng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề; trong thi đua, khen thưởng…

Không chỉ những ban ngành, cơ sở liên quan trong thực hiện bình đẳng giới mới có chức năng và nhiệm vụ tham mưu để thực hiện công tác bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ khoảng cách về giới trong đời sống xã hội mà tất cả các lĩnh vực đời sống cần nâng cao ý thức giới trong các hoạt động của mình để phát huy vai trò vị thế của nữ giới, đồng thời khẳng định: Phụ nữ và nam giới trong bất cứ lĩnh vực nào đều có khả năng cống hiến, thụ hưởng, và quyền lợi như nhau.