(Baonghean) - Sau 3 năm triển khai thực hiện NQ 07- NQ/HU về xóa đói, giảm nghèo, các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Nam Đàn đã vào cuộc tích cực, có nhiều giải pháp hợp lý, hiệu quả, tạo bước chuyển quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân – Bí thư Đảng ủy xã Nam Hưng, chia sẻ: Là xã miền núi, diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 10% tổng diện tích tự nhiên, độc canh cây lúa, trong khi đó năng lực tưới của hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu nên mỗi năm chỉ có vụ xuân thường ăn chắc còn vụ mùa rất bấp bênh. Bởi vậy, Nam Hưng thuộc diện khó khăn nhất ở Nam Đàn và tỷ lệ hộ đói nghèo cũng cao nhất huyện. 
images984555_ph_t_tri_n_l_ng_ngh__t_o_ra_nhi_u_vi_c_l_m_gi_p_x_a_d_i_gi_m_ngh_o_b_n_v_ng.jpgSản xuất hương tại Thị trấn Nam Đàn.
 
Từ khi có Nghị quyết số 07/NQ-HU của Huyện ủy Nam Đàn về đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giai đoạn 2011 – 2015, Đảng ủy xã xác định đây là nghị quyết rất quan trọng, có ý nghĩa, tạo bước chuyển đối với Nam Hưng nên xã đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy; UBND xã ban hành đề án xóa đói, giảm nghèo; các đoàn thể xây dựng kế hoạch và mục tiêu, chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo triển khai đến tận chi hội và hội viên.
 
Để công tác xóa đói, giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ tiến hành khảo sát các hộ nghèo, xác định rõ hoàn cảnh từng hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đói. Đảng ủy giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng chi bộ, xóm và đoàn thể đảm nhận giúp đỡ các hộ nghèo ở địa bàn khu dân cư, giúp đỡ hội viên của tổ chức mình; đưa tiêu chí xóa đói, giảm nghèo vào chỉ tiêu thi đua của các chi bộ, các xóm, các đoàn thể. Đặc biệt, gắn với triển khai nghị quyết xóa đói, giảm nghèo, Đảng ủy tập trung thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị cao trên một đơn vị diện tích. Qua đó, ổn định mỗi năm 2 vụ sản xuất lúa xuân và hè thu với cơ cấu 90% diện tích giống lúa mới; chuyển diện tích lúa mùa sang trồng rau màu các loại như dưa đỏ, hoa lý, sắn dây...; cơ cấu ngô đông trên 80% diện tích đất 2 lúa; trồng riềng, sả, hành tăm, rễ hương trên những diện tích không chủ động được nước tưới. 
 
Nhờ sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nên các hộ nghèo ở Nam Hưng đã được giúp đỡ, hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả. Gia đình ông Hoàng Văn Ba, xóm 3/2, mặc dù có lao động nhưng do thiếu vốn, thiếu cách làm đã được xã xếp vào diện cho vay vốn, định hướng phát triển kinh tế vườn gắn với chăn nuôi. Từ lợi thế đất vườn rộng, gia đình ông Ba đã chuyển đổi trồng các loại có giá trị như rau ngót, hoa lý, cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn 200 con, nuôi 3 con bò vỗ béo và nhận bảo vệ, chăm sóc, khai thác 700 cây thông từ Lâm trường Đại Huệ. Ở cùng xóm 3/2, gia đình ông Lê Văn Phúc, nguyên nhân nghèo do thiếu vốn, thiếu cách làm ăn và thiếu cả ý chí, nghị lực, ông được hỗ trợ con giống, được động viên, khuyến khích kịp thời, nay gia đình ông nuôi hàng trăm con gà thả vườn; ngoài làm ruộng ở thời điểm nông nhàn ông Phúc còn đi làm thợ nề, con trai đầu làm thêm nghề tôn lạnh để tăng thêm thu nhập...
 
Đến thời điểm này, thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, Quỹ “Vì người nghèo” xã Nam Hưng đã huy động trên 2,6 tỷ đồng cho hộ nghèo vay. Cùng với đó, các đoàn thể cũng đã lập được nguồn quỹ giúp đỡ hội viên, nhất là hội viên nghèo phát triển kinh tế. Tiêu biểu là Hội Phụ nữ xã thành lập các tổ tín dụng tiết kiệm tại các chi hội huy động vốn nhàn rỗi trong hội viên để giúp đỡ hội viên nghèo theo hình thức cho vay lãi thấp hoặc không lãi. Bên cạnh cho vay bằng tiền mặt, một số chi hội phụ nữ còn cho hộ nghèo vay thông qua mua các con giống gà, lợn, trâu, bò, dê  cho hộ nghèo nuôi... Bằng nhiều giải pháp tác động đến hộ nghèo, người nghèo cụ thể, thiết thực, nên mỗi năm xã Nam Hưng giảm được 2% - 2,5% hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ từ 16,4% (năm 2011) xuống còn nghèo 9,8% (năm 2014).
 
Ở xã Kim Liên, cách làm của địa phương là tổ chức gặp mặt tất cả các hộ nghèo, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng, nhu cầu của từng người nghèo, hộ nghèo để đáp ứng, đồng thời phân công các tổ chức và đảng viên giúp đỡ. Hộ thiếu lao động thì vào mùa vụ, các tổ chức đoàn thể bố trí lực lượng là hội viên giúp đỡ các gia đình công lao động làm mùa. Xã cũng tranh thủ mở rộng các mối quan hệ nhằm tạo ra nguồn lực giúp đỡ người nghèo như hỗ trợ các hộ nghèo 150 con bò; giúp đỡ làm nhà ở kiên cố cho hộ nghèo; cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ 3,1 tỷ đồng. Ở Nam Cát thì tập trung tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn xuất khẩu lao động, khuyến kích thành lập nhiều tổ thợ nề, thợ mộc; mở rộng các mô hình kinh tế dịch vụ hàng hóa... Các xã vùng ven đê tả Lam như Hồng Long, Khánh Sơn, Nam Cường cho người nghèo vay vốn để chăn nuôi bò vỗ béo...
 
Có thể nói, triển khai Nghị quyết 07- NQ/HU về xóa đói, giảm nghèo của Huyện ủy Nam Đàn, các địa phương đã cụ thể hóa các nội dung, công việc cụ thể để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó tập trung tuyên truyền đến tận cán bộ, đảng viên và người dân, tăng cường tuyên truyên các mô hình, cách làm hay trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo một cách nghiêm túc, đúng thực chất, xác định rõ nguyên nhân nghèo. Tăng cường công tác đào tào nghề, tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm và đẩy mạnh công tác xã hội hóa đảm bảo có thêm nhiều nguồn lực dành cho người nghèo, hộ nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người nghèo, hộ nghèo. Để có nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, ngoài huy động vốn từ Ngân hàng CSXH, huyện còn huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp như Công ty Bảo Sơn (Hà Nội) hỗ trợ 10 tỷ đồng; nguồn huy động từ các hội viên, đoàn viên của các hội, đoàn thể hơn 4,3 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì người nghèo hơn 3,4 tỷ đồng; Quỹ Tình thương 1,6 tỷ đồng.... Có nguồn vốn hỗ trợ, các hộ nghèo có điều kiện  phát triển chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, chăn nuôi gà, cá, cải tạo vườn tạp, mở trang trại, xuất khẩu lao động, kiếm việc làm... Qua 3 năm triển khai nghị quyết về công tác xóa đói, giảm nghèo, Nam Đàn đã đào tạo nghề may, trồng hoa, thêu ren, thú y, cơ khí cho 267 lao động; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 724 lao động, trong đó 424 người đi xuất khẩu lao động; 119 lao động may; 181 lao động tại chỗ; Thu nhập hộ nghèo bình quân tăng 1,29 lần, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện từ 18% (năm 2010) xuống còn 7,5% (cuối năm 2013). 
 
Rõ ràng, Nghị quyết 07 của Huyện ủy Nam Đàn về xóa đói, giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp cùng chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo vươn lên. Mặc dù vậy, những kết quả đạt được chưa thể bằng lòng, mục tiêu xây dựng quê hương Nam Đàn thành huyện kiểu mẫu thành hiện thực thì công tác giảm nghèo phải thực sự hiệu quả, bền vững.
 
Bài, ảnh: Mai Hoa