Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia.

Tối 7/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Buổi lễ do Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức. Cũng tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 1846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/11 hàng năm là "Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam". 

Tham dự lễ phát động còn có ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN; ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, công ty, doanh nhân trên cả nước.

images1738472_thu_tuong_3_zgym.jpgThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu làm lễ chào cờ

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng, một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia, đó là lý do Chính phủ kiến tạo hiện nay rất quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân. 

Từ thực tế những thương hiệu như Toyota, Samsung, Apple tồn tại nhiều thập kỷ, trụ vững qua những giai đoạn khó khăn, Thủ tướng cho rằng, đó là vì các doanh nghiệp đó có nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh, thậm chí có những thương hiệu trở thành biểu tượng của một quốc gia. Ở Việt Nam hiện nay, Thủ tướng cho rằng đã có những thương hiệu được xây dựng dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững như TH True Milk, Vinamilk, Viettel, Công ty ô tô Trường Hải…Nhờ đề cao nguyên tắc và giá trị thời đại mà Việt Nam đã có sản phẩm hiện diện ở những thị trường khó tính được thị trường thế giới đón nhận.

Nêu lên những đặc điểm văn hóa của doanh nghiệp một số nước, Thủ tướng đặt câu hỏi, vậy nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì: "Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà tự mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của mình. Nhưng tôi cho rằng các nguyên tắc cơ bản, hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp.

Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy hay trách nhiệm môi trường… Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn cơ hội phát triển lớn mạnh. Đánh mất văn hóa nói chung, đánh mất văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Ông bà mình từng nói rất đúng, đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng nêu rõ, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định song phương, đa phương. Khi Việt Nam phê chuẩn TPP và hiệp định này có hiệu lực, nếu doanh nghiệp nào không tôn trọng quyền lợi người lao động, gây ô nhiễm môi trường, tức là vi phạm những nguyên tắc và giá trị cốt lõi, thì sẽ không được hưởng ưu đãi TPP, không có khả năng làm ăn với các đối tác TPP.

Khi nói đến văn hóa doanh nghiệp, yếu tố thường được đề cập là “trách nhiệm xã hội”. Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp đi xây cầu, làm từ thiện, làm đường, xây trường là rất tốt, đáng biểu dương. Song đó chỉ là một phần trách nhiệm xã hội. Một trong những điều cốt yêu làm nên trách nhiệm xã hội đó là cách các doanh nhân kinh doanh, ứng xử với môi trường, với người lao động và tuân thủ pháp luật. Tất cả các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động trẻ em, đối xử bất công với người lao động, trốn thuế, chuyển giá là những doanh nghiệp “vô trách nhiệm xã hội”, sớm hay muộn cũng bị người tiêu dùng trong và ngoài nước tẩy chay.

Nhân dịp công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11, Thủ tướng đã phát động cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó tập trung vào nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp Việt Nam từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với những giá trị tuyền thống tốt đẹp của dân tộc; từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội…

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Cũng tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xác lập Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam là một bước đi thiết thực về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa trong kinh doanh thì việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết. Đây là sự nghiệp lâu dài, cần có sự nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Chúng ta cần phát huy những giá trị và truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, bất khuất, kiên trì, cần cù, sáng tạo trong công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân”.

Thay mặt cho các đơn vị doanh nghiệp và các doanh nhân, ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết: “Cuộc vận động xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam là công cuộc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, thời gian lâu dài và không kém phần cam go để xây dựng một môi trường kinh doanh thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, với tư cách được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, sẽ nỗ lực hết sức mình cùng với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đưa cuộc vận động thấm vào mạch máu, nhịp đập trái tim và đời sống của doanh nhân, doanh nghiệp”.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết giữa Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tại lễ phát động, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm khuyến khích việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN