(Baonghean) - Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới là xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; góp phần xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, cộng đồng, xã hội, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong những năm qua, cùng với cả nước, Nghệ An đang từng bước hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa đi vào cuộc sống. Thực hiện nếp sống văn hóa đối với việc cưới là một trong những nội dung được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thường xuyên. Sau 12 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 18/2/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới đối với cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức" đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động ban hành kế hoạch quán triệt triển khai Chỉ thị 19-CT/TU gắn với thực hiện Quyết định 52/2004/QĐ-UB ngày 24/5/2004 của UBND tỉnh "về quy định tổ chức việc cưới theo nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An"; tập trung bổ sung và hoàn thiện quy định, quy chế, hương ước, quy ước về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư.
Công tác tuyên truyền, phối hợp thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới giữa các cấp, các ngành được thực hiện khá chặt chẽ, hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu được xác định rõ thông qua việc tổ chức chỉ đạo triển khai cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị 19-CT/TU tại cơ quan, đơn vị; gương mẫu thực hiện đúng các quy định về việc cưới cho bản thân và gia đình. Đồng thời thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được triển khai và duy trì hiệu quả ở các đơn vị, địa phương, tiêu biểu như các mô hình: "Cưới tiết kiệm" tại các huyện Quỳ Hợp, Anh Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh; "Cưới theo nếp sống mới" ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ và thành phố Vinh; "Tiệc ngọt kết hợp với báo hỷ sau cưới" tại huyện Nghi Lộc, huyện Yên Thành; mô hình cưới "vui tươi, văn minh, tiết kiệm" của đoàn thanh niên...
Trong 12 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, đã có trên 52.725 đám cưới theo nếp sống mới được tổ chức. Ở nhiều địa phương (Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nghi Lộc...) việc cưới theo nếp sống văn hóa đã trở thành phong trào và được duy trì tốt trong nhiều năm qua.
Đối với cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện việc cưới. Trong những năm đầu thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, nhiều đám cưới mẫu thực hiện theo nếp sống văn hóa được cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên tổ chức, tạo nên hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa đến người dân về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới.
Kết quả sau 12 năm triển khai Chỉ thị 19-CT/TU đã khẳng định: phần lớn cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đều tuân thủ quy định về việc cưới, đảm bảo phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương; thực hiện tốt việc báo cáo với cơ quan, chi bộ, địa phương nơi cư trú về cách thức tổ chức; không lợi dụng việc cưới để nhận quà biếu; các nghi lễ cưới hỏi được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; thời gian, không gian tổ chức được rút gọn hơn; một số tập tục lạc hậu (thách cưới, ép hôn, cướp vợ) được bãi bỏ; lễ phục trong cưới hỏi ngày càng được quan tâm, hướng đến giá trị văn hóa, phù hợp phong tục tập quán của vùng miền và mỗi dân tộc.
Tuy nhiên, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới vẫn còn nhiều hạn chế: Một số địa phương chưa kịp thời bổ sung quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào quy chế của cơ quan, đơn vị và hương ước, quy ước ở khu dân cư; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở còn buông lỏng; việc đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, đảng viên, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa hàng năm chưa kết hợp, lồng ghép với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Đặc biệt, những năm gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc cưới của các cấp ủy, chính quyền thiếu thường xuyên, nên phong trào tổ chức việc cưới theo nếp sống văn hóa chững lại; các mô hình cưới theo nếp sống văn hóa phần lớn chưa được duy trì và nhân rộng. Ở các vùng đô thị việc tổ chức cưới, hỏi của một số cán bộ, đảng viên có chiều hướng ngày càng phô trương, hình thức, cá biệt còn tổ chức "tiệc báo hỷ", gây bức xúc trong dư luận; tình trạng rải tiền lẻ trên đường khi rước dâu vẫn còn diễn ra, vi phạm trật tự, an toàn giao thông trở nên khá phổ biến.
Nguyên nhân của hạn chế chủ yếu là do: Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt; việc nhân rộng, cổ vũ, động viên những mô hình, kinh nghiệm tốt chưa được thực hiện thường xuyên; ý thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế trong việc tổ chức cưới cho bản thân và người thân; việc xử lý vi phạm, nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức có biểu hiện tư lợi và lãng phí trong việc tổ chức cưới hỏi chưa nghiêm, chưa có tính răn đe cao.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân về thực hiện nếp sống văn hóa đối với việc cưới, thời gian tới cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp cần tập trung triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phát huy những mặt tích cực trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đối với việc cưới nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó có bản sắc văn hóa, con người xứ Nghệ, theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và người dân đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi địa phương, dân tộc trong việc cưới; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, phê phán những biểu hiện tiêu cực; gắn các tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới với việc thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Thứ ba: Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa đối với việc cưới; gắn với thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp" và Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Thứ tư: Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và phát huy các mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong toàn xã hội. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, thực hiện các mô hình đám cưới tập thể theo tiêu chí văn minh, tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư.
Thứ năm: Triển khai kịp thời và hiệu quả Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh "về quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Thực hiện nghiêm chế độ giám sát việc cưới đối với cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức; gắn tiêu chí thực hiện cưới theo nếp sống văn hóa trong xếp loại thi đua hàng năm của cá nhân và các danh hiệu văn hóa; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong tổ chức việc cưới.
(Bài viết của đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)