Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Sáng 16/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề, tập trung vào một số nội dung như Công tác thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng trong Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; kết quả, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém như công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về Quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin...
Tổng Bí thư mong rằng sau Hội nghị này, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở đi vào nền nếp, giành nhiều kết quả mới to lớn hơn, không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018
Hội nghị diễn ra sáng 19/7 tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự hội nghị có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động cùng 355 đại biểu đại diện cho gần 1,5 triệu người có công trong cả nước.
Đây là dịp để Đảng, Nhà nước trân trọng, tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu là người có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập.
71 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội ta. Đời sống của người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều đồng chí có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, thể hiện lòng biết ơn sâu nặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với sự cống hiến, đóng góp, hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thủ tướng lần thứ 2 thị sát việc bảo vệ môi trường tại Formosa Hà Tĩnh
Gần một năm kể từ chuyến thị sát việc thực hiện lời hứa về bảo vệ môi trường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trở lại kiểm tra quy trình xử lý nước thải và dây chuyền sản xuất của dự án đầu tư quy mô lớn này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã trực tiếp thị sát khu xử lý nước thải, phòng quan trắc chất lượng nước thải; kiểm tra thực tế cá nuôi tại hồ chỉ thị sinh học, văn phòng bộ phận luyện gang, khu vực xưởng cán luyện gang, xưởng cán thép nóng thô và khu vực cầu cảng Formosa.
Thủ tướng cũng đã trực tiếp kiểm tra việc kết nối, truyền dữ liệu từ hệ thống hồ sinh học, nước thải Trạm quan trắc nước thải tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Ngay sau chuyến thị sát, Thủ tướng đã chủ trì cuộc làm việc với sự có mặt của lãnh đạo Tập đoàn Formosa và các bộ, ngành, địa phương.
Bộ GD-ĐT yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát điểm thi THPT quốc gia 2018
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký công văn số 3060 về việc rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh thành, phố trực thuộc trung ương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là coi, chấm thi. Quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy chế và pháp luật.
Bộ GD-ĐT yêu cầu triển khai công tác khảo thí và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo đúng quy định, quy chế và quyền lợi của thí sinh.
Bộ cũng phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu. Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực, khách quan, nghiêm túc, báo cáo Bộ GD-ĐT, đồng thời phổ biến, quán triệt, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kỳ thi sau.
Sẽ thí điểm hợp nhất 3 văn phòng thành một văn phòng tham mưu
Ngày 20/7, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân, Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Đa số các đại biểu thống nhất với việc hợp nhất 3 văn phòng thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của văn phòng. Việc hợp nhất sẽ góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương, có khả năng thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành, địa phương về công tác tại văn phòng chung, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, việc hợp nhất 3 văn phòng không chỉ là sáp nhập cơ học mà cần phải xác định rõ tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của văn phòng chung cho phù hợp, tránh sự chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Mưa lũ làm 10 người chết, nhiều tỉnh đối mặt với lụt lịch sử
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng xoáy thấp, đêm 20/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa. Riêng Sơn La, Hòa Bình và đồng bằng Bắc Bộ có mưa rất to, có nơi trên 100 mm như: Sơn Tây, Hà Đông, Ba Vì (Hà Nội) từ 120 đến 170 mm; Minh Đài (Phú Thọ) 270 mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 110 mm.
Trong khi đó một vùng xoáy thấp khác ở Bắc Bộ đang có xu hướng dịch chuyển về phía vịnh Bắc Bộ, khả năng trong ngày 22/7 mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới. Nếu khả năng này xảy ra, sẽ có mưa rất lớn ở một số tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 21/7, mưa lũ đã làm 10 người chết (Yên Bái 8; Thanh Hóa 2), 11 người mất tích (Yên Bái 9; Thanh Hóa 2). Hơn 100 nhà bị sập, trên 3.000 nhà khác ngập, hàng nghìn nhà phải di dời khẩn cấp. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu, thủy hải sản bị thiệt hại.
Mưa lũ đã gây sạt lở, ách tắc giao thông một số tuyến đường. Nhiều địa phương ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ bị chia cắt do sạt lở và ngập.
Trên 1.000 phôi sổ đỏ ở Phú Quốc bị mất
Chiều 19/7, đại tá Phạm Trung Thành, người phát ngôn của Công an tỉnh Kiên Giang, xác nhận cơ quan điều tra đã gửi thông báo đến tất cả ngân hàng trong tỉnh để truy tìm phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bị mất ở Phú Quốc. Kèm theo thông báo là danh mục 1.029 phôi sổ đỏ bị mất. Những giấy này chủ yếu có ký hiệu AB, AN, AK, AL, AH...
Theo đại tá Thành, thông báo của cơ quan điều tra gửi đến các ngân hàng nhằm phối hợp để tránh các trường hợp dùng các phôi sổ đỏ này để làm giả rồi thế chấp vào nhà băng, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.