(Baonghean) - Một chiến dịch quân sự tại tỉnh Punjab của Pakistan xét từ khía cạnh chính trị đã dồn Thủ tướng đương nhiệm Sharif vào chân tường. “Họa vô đơn chí”, những hé lộ sau vụ bê bối Hồ sơ Panama lại làm tổn hại thêm vị thế của nhà lãnh đạo này. Liệu ông có thể ứng phó với những thách thức mới nảy sinh?

resize_images1501290_nh_n_v_t_s__ki_n_8_4.jpgThủ tướng Pakistan Nawaz Punjab. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif một lần nữa lại rơi vào giữa tình cảnh chính trị rối ren. Suốt 2 năm qua, nền quân sự hùng mạnh tại đất nước này đã nhiều lần âm mưu phá hoại quyền hành chính trị của ông thông qua cái cớ không thể hợp lẽ hơn là chiến đấu chống các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Những tiếng nói ủng hộ quân đội cho rằng chính quyền của ông Sharif hoàn toàn thất bại trong việc kiềm chế và đưa những băng nhóm của các tay súng vào khuôn khổ, trong khi người đứng đầu lực lượng quân sự nước này - Tướng Raheel Sharif lại chứng tỏ bản thân là một “nhà lãnh đạo năng lực” thông qua cuộc công kích “thành công” tại các khu vực đông bộ lạc sinh sống ở phía Tây Bắc. Tuy nhiên, vụ đánh bom liều chết hôm 27/3 tại thành phố miền Đông Lahore dường như đã khiến các vấn đề rắc rối của ông Sharif ngày một phức tạp hơn.

Dư luận bị chấn động bởi vụ nổ trong lễ Phục sinh do một nhánh nhỏ của lực lượng Taliban đứng sau tiến hành, khiến hơn 65 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Tướng tá trong quân đội ngay lập tức phản ứng kịch liệt trước vụ việc đẫm máu, ra tay trấn áp các phần tử cực đoan trú ngụ tại tỉnh Punjab. Điều đáng nói ở đây là Punjab vẫn luôn được biết đến với vai trò thành trì kiên cố của Thủ tướng Sharif, ấy vậy mà người ta lại “vô tình” bỏ qua bước tham vấn ông. Người phát ngôn quân đội thậm chí còn nhấn mạnh, mệnh lệnh do tư lệnh quân đội phát ra chứ không phải của Thủ tướng Pakistan.

Suốt một thời gian dài, vị Thủ tướng của đất nước Pakistan đều phản đối mạnh mẽ động thái can thiệp quân sự tại Punjab, bởi điều đó có thể được diễn giải thành việc oog không có khả năng kiểm soát chính “căn cứ” chính trị của mình. Thủ tướng Sharif đã để vuột mất một cơ số quyền hạn vào tay tướng lĩnh sau các cuộc biểu tình đông đảo chống chính phủ tại Islamabad hồi năm 2014, mà nhiều nhà phân tích khẳng định có sự hậu thuẫn của phía quân đội. Nói có sách, mách có chứng, giờ đây các vấn đề xoay quanh chính sách đối ngoại và quốc phòng đã thuộc phạm vi điều chỉnh của quân đội.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Pakistan hiện lại phải đối mặt với thêm một trận chiến khác nữa trên mặt trận chính trị. Đó chính là khi vụ rò rỉ tài liệu Panama nhắc đến tài sản mà gia đình ông sở hữu tại các công ty ở nước ngoài. Dù Thủ tướng và con trai đã phủ nhận mọi sai phạm bị cáo buộc, hiện trong lòng Pakistan đang hết sức náo động, các đảng phái đối lập đòi ông từ chức, quả quyết Thủ tướng trốn thuế thông qua những công ty ma kể trên.

Ngày 5/4, ông Sharif có bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, tuyên bố đang thành lập thêm một hội đồng tòa án để điều tra rõ ràng các cáo buộc.

Bị cho “ra rìa” trên trường chính trị, và vướng cáo buộc thiếu năng lực, tham nhũng đối với cả bộ máy lẫn gia đình riêng, ông Sharif hiện đang đương đầu với một trong những thách thức ngặt nghèo nhất trong nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 3. Người ta vẫn hoài nghi liệu ông có thể đối diện với cả quân đội lẫn phe đối lập trong cùng một thời điểm hay không.

Phải chăng ông Sharif dần để mất quyền lực vào tay quân đội? Ảnh: pa.

Bị dồn vào ngõ cụt

Omar Hamid, phụ trách phân tích châu Á tại cơ quan đánh giá rủi ro IHS Country Risk khẳng định: “Việc quân đội tiến hành chiến dịch độc lập tại Punjab có thể gây tổn hại cho ông Sharif về mặt chính trị. Dù đảng PML-N của ông Sharif thoạt nhìn tưởng chừng đã chấp nhận hình thức cùng cai trị với quân đội trong năm qua - để quân đội lãnh đạo chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh và khu vực, còn chính phủ cai quản các vấn đề kinh tế và phát triển - song chiến dịch quân sự tại Punjab có khả năng sẽ phá vỡ thế cân bằng này”.

Trên thực tế, uy danh của quân đội Pakistan đã bị tổn hại sau khi chiến dịch năm 2011 của Mỹ tại nước này đã tiêu diệt trùm khủng bố al Qaeda Osama bin Laden, rồi dần khôi phục, củng cố quyền lực sau khi Sharif lên nắm quyền hồi năm 2013. Bên cạnh đó, các tướng lĩnh cũng đã thay thế hệ thống pháp lý của quốc gia Nam Á này thông qua thành lập các tòa án do quân đội điều hành sau vụ tấn công của Taliban nhắm vào một trường học ở Peshawar tháng 12/2014.

Waris Husain, một chuyên gia về Pakistan sống tại Washington cho biết nhiều người tin rằng tại Pakistan còn nhiều điều mà các chủ thể dân sự ngần ngại, do thiếu năng lực, thiếu sự sẵn sàng, và quân đội sẽ khai thác khía cạnh này để nới rộng quyền hạn và khả năng kiểm soát đối với các vấn đề cấp nhà nước.

Hamid cũng có quan điểm tương tự về vấn đề trên: “Trước các diễn biến hiện nay, Punjab từng được xem là khu vực dành riêng cho đảng cầm quyền PML-N, không hề có sự can thiệp từ phía quân đội. Thực trạng này giờ đây có khả năng phát triển tại Punjab, củng cố thêm ý nghĩ rằng quân đội là ‘kẻ môi giới quyền lực’ thực sự tại đất nước này, trong khi PML-N chỉ ở vị thế là công cụ giúp ích mà thôi”.

Chưa nói đến vấn đề pháp lý, Hồ sơ Panama có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Thủ tướng Sharif. Ảnh: pa.

Bị trừng phạt vì muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ?

Một số nhà phân tích tin rằng các tướng lĩnh quân đội đang hậu thuẫn cho một vài nhóm Hồi giáo cực đoan và tận dụng các nhóm này để làm suy yếu chính quyền Sharif. Nguyên nhân chủ yếu đằng sau sự mất lòng tin của quân đội đối với Sharif chính là mong muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi.

Khalid Hameed Farooqi, chuyên gia phân tích Pakistan sống tại Brussels và là phóng viên kênh truyền hình Geo TV nói với hãng DW: “Sharif hiểu rằng các chính sách kinh tế tự do và quan hệ tốt với láng giềng là cách duy nhất để đưa Pakistan đi lên. Tuy nhiên, trong nước vẫn có các ý kiến bất đồng với đường hướng này”.

Farooqi cho rằng chính phủ Pakistan hiện đang lao đao và đã để mất nhiều quyền lực vào tay quân đội. Dù vậy, nhiều người lại có thiên hướng đổ lỗi cho chính quyền dân sự gây ra tình cảnh hiện tại, chứ không phải do quân đội mà ra.

Thách thức mới

“Vỏ dưa” chưa qua, “vỏ dừa” đã tới, những kế hoạch của quân đội là một lẽ, hiện ông Sharif lại đang ở tình thế ngặt nghèo hơn nhiều sau “những hé lộ: của vụ bê bối Hồ sơ Panama. Các chừng từ rò rỉ cho thấy 3 người con của vị Thủ tướng này có liên quan đến các công ty nước ngoài sở hữu các tài sản tại London.

Sharif và gia đình ông đã phủ nhận mọi cáo buộc, song giới truyền thông địa phương và các đảng phái đối lập, đặc biệt là đảng Tehreek-e-Insaf dưới trướng người đứng đầu Imran Khan hiện đang cáo buộc Thủ tướng Sharif tội danh tham nhũng và trốn thuế, cho rằng “chính Nawaz Sharif nên giải thích cách con cái kiếm ra số tiền khổng lồ như vậy”.

Theo một số chuyên gia pháp lý, các hồ sơ trên chưa chắc đã là bằng chứng chứng minh tội danh tham nhũng, bởi lẽ sử dụng các cơ chế ở nước ngoài hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Pakistan. Thế nhưng, xét cho cùng, dù hợp pháp hay không, những tác động trực tiếp và gián tiếp của vụ bê bối này trên trường chính trị có thể ví với “quả bom” dành cho ông Sharif. Và không phải vô cớ khi người ta nhận định những thách thức mới có thể khiến ông phải trả cái giá đắt là “chiếc ghế” của mình.

Phú Bình

(Theo DW)

TIN LIÊN QUAN