(Baonghean) - Quan hệ Malaysia - Trung Quốc đã “lên tầm cao mới” sau hàng loạt thỏa thuận quan trọng nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Najib Razak. Chuyến thăm thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông bởi nó diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines hậu Phán quyết Trọng tài 12/7. Liệu có sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Malaysia?   

Những hợp đồng bất ngờ

Cũng giống Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc vài tuần trước, Thủ tướng Malaysia dẫn đầu đội ngũ doanh nhân hùng hậu tới Bắc Kinh trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày từ 30/10. Điều đó cho thấy,  kinh tế là một trong những trọng tâm trong chuyến công du lần này của Thủ tướng Malaysia.

Đúng như kỳ vọng, Thủ tướng Najib “mang về” hàng loạt thỏa thuận kinh tế lớn trị giá hàng chục tỷ USD. Ông cho biết, Malaysia - Trung Quốc đã đạt “thành tựu lịch sử” trong quan hệ kinh tế khi ký 14 thỏa thuận với tổng trị giá 34,4 tỷ USD, trong đó có bản thỏa thuận về đường sắt tới 13 tỷ USD.

“Đây là thỏa thuận lớn nhất mà Malaysia từng ký với Trung Quốc” - Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai nhấn mạnh, đồng thời lạc quan rằng dự án sẽ góp phần cắt giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa ở Malaysia. 

resize_images1733886_anh_1_thu_tuong_malay.jpgThủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 1/11. Ảnh: AP.

Tuy vậy, hợp đồng đáng chú ý nhất được ký kết giữa lãnh đạo 2 nước là trong lĩnh vực quốc phòng. Theo đó, Malaysia đã nhất trí mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc và cam kết với Bắc Kinh về việc giải quyết song phương tranh chấp trên Biển Đông. Tàu hải quân mà Malaysia mua của Trung Quốc là loại tàu tác chiến ven bờ. 2 trong số này sẽ được đóng ở Trung Quốc và 2 chiếc còn lại sẽ được đóng ở Malaysia. Việc mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc đánh dấu thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên giữa Kuala Lumpur với Bắc Kinh, và được cho là mang ý nghĩa biểu tượng lớn. 

 Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông chuyển sang bước ngoặt mới sau phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) hồi giữa tháng 7 vừa qua, trong đó tuyên bố bác bỏ đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.

Cả Malaysia và Philippines đều là các bên có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, Kuala Lumpur lâu nay áp dụng chính sách tránh đối đầu vì không muốn làm mất lòng Bắc Kinh, bởi Trung Quốc đang là đối tác kinh tế lớn. Rõ ràng, việc Malaysia hợp tác quốc phòng với Bắc Kinh dường như đã tạo ra “chương mới” trong quan hệ 2 nước.

Thủ tướng Najib trong chuyến thăm này cũng tự nhận là “người bạn thực sự của Trung Quốc”, và mối quan hệ song phương đã “lên tầm cao mới”. 

Malaysia chuyển ưu tiên đối ngoại?

Với những diễn biến này, không ít nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu rằng, chuyến thăm Trung Quốc của ông Najib lần này có phải là dấu hiệu Malaysia có khả năng chuyển hướng chiến lược, “gần gũi” hơn với Trung Quốc và “quay lưng” với Mỹ như Philippines đã làm. Bởi thực tế, ngoài những lợi ích kinh tế, Malaysia bắt đầu quay sang hợp tác quốc phòng với Trung Quốc - động thái được cho là bất ngờ trong bối cảnh tranh chấp khu vực đang diễn biến phức tạp. 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Thực tế, kể từ khi nhậm chức vào năm 2009, Thủ tướng Najib nỗ lực thắt chặt quan hệ với Mỹ, và mối quan hệ 2 bên trở nên nồng ấm hơn sau nhiều thập niên không tin tưởng lẫn nhau. Hồi tháng 4/2014, trong chuyến thăm Malaysia của Tổng thống Barack Obama, 2 bên đã thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”.

Thủ tướng Najib cũng từng có quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Obama. 2 nhà lãnh đạo từng dành cả ngày chơi gôn ở Hawaii năm 2014. Tuy vậy, quan hệ 2 nước trở nên căng thẳng từ tháng 7 vừa qua sau khi Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền tại 1 quỹ đầu tư nhà nước có liên hệ với nhà lãnh đạo Malaysia. Sau vụ bê bối này, dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Malaysia liên tục suy giảm.

Trong khi đó, Trung Quốc lại không ngừng “mở hầu bao” cho Malaysia. Kể từ năm 2009, Trung Quốc luôn giữ vị trí nhà đầu tư lớn nhất của Malaysia ở khu vực.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng dành cho Thủ tướng Najib những tình cảm đặc biệt. Năm 2014, khi Thủ tướng Najib có chuyến thăm 1 tuần tới Trung Quốc, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình mời cơm thân mật ông Najib. Cử chỉ của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc được truyền thông gọi là “bữa cơm đặc biệt” và khiến cho nhà lãnh đạo Malaysia xúc động.

Khi đó, tại Bắc Kinh, ông Najib đã ca ngợi quan hệ giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur là “không chỉ là quan hệ giữa chính phủ với chính phủ mà còn thân thiện giống như kiểu quan hệ gia đình”. Lần này, cũng nhằm bày tỏ mối “thân tình” đó, Trung Quốc cũng gửi lời mời cả gia đình Thủ tướng Malaysia cùng ông công du tới Bắc Kinh.  

Malaysia đã nhất trí mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc. Ảnh Reuters

Các chuyên gia nhận xét, chính quyền Malaysia đang rất cần thu hút vốn đầu tư Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ mới và cơ sở hạ tầng. Theo tiến sĩ Mustafa Izzuddin, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, Thủ tướng Najib muốn thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế Malaysia trong năm 2017 để tạo thêm niềm tin và uy tín cho vai trò lãnh đạo của ông, qua đó củng cố khả năng thắng cử cho liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội 2018.

Nói một cách ngắn gọn, Malaysia cần tiền mặt cho nền kinh tế, còn Trung Quốc thì sẵn sàng mở hầu bao. Tất nhiên, mối thân tình vì những lợi ích kinh tế cũng phần nào “xoa dịu” những căng thẳng trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Malaysia.

Cho đến nay, rất khó có thể đoán định về bước chuyển trong chính sách đối ngoại của Malaysia. Nhưng có một điều chắc chắn, Thủ tướng Najib cũng đang tìm kiếm thế cân bằng cho Malaysia giữa các siêu cường và thực tế này sẽ tác động đáng kể đến bức tranh địa chính trị khu vực.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN