Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid -19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt dưới sự điều hành của Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.
Hiện nay, cả nước đang triển khai quyết liệt Chỉ thị 15,16 và đạt kết quả bước đầu. Với diễn biến dịch Covid -19 hiện nay, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã họp và đưa ra chủ trương là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đặc biệt là đưa ra các quyết sách tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 trong toàn quốc, trong đó có giãn cách xã hội một cách quyết liệt hơn.
“Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của cấp ủy, chính quyền trong giai đoạn hiện nay”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đề cập đến tác động của dịch Covid -19 đến kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dịch Covid -19 đã và đang tiếp tục gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, các đối tác lớn của nước ta đều bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhiều dự báo sẽ suy thoái toàn cầu nếu dịch kéo dài.
Theo các dự báo của các định chế tài chính uy tín trên thế giới, năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể âm 1,9%; cùng với đó thị trường chứng khoán toàn cầu giảm ở mức sâu.
Trong bối cảnh đó quý I, GDP Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy vậy, Thủ tướng cũng ghi nhận đây là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
“Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh có thể gọi đây là hội nghị trực tuyến “4 trong 1”, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với một khí thế, quyết tâm, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch Covid -19, đồng thời nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống.
Nhiệm vụ là đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp, trước hết là khống chế dịch bệnh; không chỉ vậy mà còn phải “biến nguy thành cơ” để sau dịch Covid-19 nền kinh tế tăng tốc bù đắp tổn thất rất to lớn vừa qua.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo, một lần nữa Thủ tướng tỏ lòng biết ơn người dân đã đồng hành, chia sẻ, thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh; đồng thời cần thấy được sự cố gắng, vượt qua khó khăn, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp.
“Chúng tôi thường hay nói như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày phải bật ra, phải đuổi kịp cùng với thời gian”, Thủ tướng phân tích và chỉ rõ, sản phẩm của hội nghị hôm nay là một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid -19”.
Tại Nghệ An, do tác động của dịch Covid -19, trong quý I/2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước chỉ tăng 3,68%.
Trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp ước tăng 4,75%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3,36% (riêng công nghiệp ước tăng 3,54%); khu vực dịch vụ ước tăng 5,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước bằng 92,08% so với cùng kỳ năm 2019.
Mức tăng trưởng GRDP quý I của tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ và so với kế hoạch đặt ra. Chỉ số sản xuất cũng tăng thấp (2,84%) so với cùng kỳ năm 2019 (7,51%).
Một số sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng thấp và giảm mạnh như: bia, điện… Đặc biệt, nhiều lĩnh vực dịch vụ bị sụt giảm so với cùng kỳ như: doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 24,59%, doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 25,06%, doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch giảm 38,19%, dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 32,82%.
Hoạt động du lịch bị ảnh hưởng lớn khi lượt khách giảm 43%, khách lưu trú giảm 28%, doanh thu giảm 42%;…