(Baonghean.vn)-Sáng 29/6, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).

resize_images1939516_nqh_4641.jpgThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng, gồm 3 nghị quyết: Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đảng khóa XII đã  đề ra về phát triển kinh tế, xã hội.

Tại điểm cầu Trung ương, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tham dự Hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội.

Tại điểm cầu Nghệ An, có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Thường trực các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Nội dung trọng tâm các nghị quyết này là những vấn đề lớn mang tính chất đột phá, giải quyết những vấn đề chỉ đường về thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay bắt đầu cho đợt sinh hoạt chính trị tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, nhanh chóng đưa 3 nghị quyết quan trọng này vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

Để quán triệt, triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), Thủ tướng đề nghị bám sát vào các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã nêu trong nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương.

"Cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải thực sự hành động, đoàn kết, đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với các cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; chủ động tuyên truyền về nghị quyết đến đông đảo cán bộ và đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong cả nước; chú trọng phát huy vai trò của truyền thông trong quá trình thực hiện"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Tiếp đến, tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương truyền đạt những nội dung cơ bản của 3 nghị quyết; trong đó, khẳng định: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước để doanh nghiệp Nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. 

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. 

Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP. 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị, sau Hội nghị các cấp ủy đảng, nhất là các đồng chí bí thư cấp ủy cần chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt sâu sắc, nghiêm túc và chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII với tinh thần đổi mới, thiết thực, đảm bảo chất lượng.

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các địa phương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết ở cấp mình bảo đảm thiết thực và có tính khả thi cao; gắn thực hiện chương trình hành động với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. 

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quán triệt Quy định 86- QĐ/TW ngày 1/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng. Ảnh: Thanh Lê

Cũng tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quán triệt Quy định 86 - QĐ/TW ngày 1/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng./.

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN