Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Nếu như tỉnh có làm đúng đi chăng nữa thì dư luận cũng có quyền nghi ngờ về sự khách quan, việc sự minh bạch hay sức ép…
Việc Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định thanh tra tài sản nhà, đất của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định thanh tra tài sản nhà, đất của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái theo đề nghị của UBND tỉnh, nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Vậy việc cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái ký nhiều quyết định để chuyển đổi 13.000 m2 đất rừng sang đất ở của gia đình ông Phạm Sỹ Quý chỉ trong vòng 1 ngày sẽ được Cục Chống tham nhũng làm rõ như thế nào?
Ông Phạm Trọng Đạt: Một trong những nội dung cần làm rõ là thanh tra việc quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái đối với thửa đất này có liên quan đến bà Hoàng Thị Huệ và ông Phạm Sỹ Quý.
Việc thứ hai là thanh tra việc chấp hành pháp luật và phòng chống tham nhũng đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản liên quan đến thửa đất tại phường Minh Tân của thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đây là hai nội dung chính được dư luận, báo chí đề cập đến.
Sự việc một ngày cấp 6 giấy cấp phép xây dựng là có cơ sở, mặc dù chưa có kết luận. Đây cũng chính là một nội dung trong việc cấp phép và quản lý đất đai, và cần được làm rõ. Cụ thể như thế nào thì sẽ trả lời công luận. Bởi trong thực tế, cần phải xem hồ sơ là có phải trong vòng 1 ngày kí văn bản hay không? Quan trọng nhất là việc nộp hồ sơ theo quy định từ ngày nào? Điều này thanh tra sẽ làm rõ.
PV: Theo báo chí phản ánh, cụm biệt thự xây dựng trên khu đất 13.000 m2 đứng tên bà Hoàng Thị Huệ - vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Về nguyên tắc, ông Phạm Sỹ Quý có phải kê khai khối tài sản này trong bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức năm 2016 hay không? Nếu ông Quý không kê khai thì sao, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Đây là nội dung chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với những người có nghĩa vụ phải kê khai liên quan đến thửa đất. Đây là nội dung cần phải thanh tra theo kế hoạch đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.
Ông Phạm Sỹ Quý là cán bộ công chức nhà nước, còn bà Hoàng Thị Huệ không phải là cán bộ công chức, nhưng theo Luật quy định thì vợ của đối tượng phải kê khai, và con vị thành niên của đối tượng phải kê khai thì tài sản phải được kê khai trong bản khai của cán bộ đó. Điều đó có nghĩa, ông Quý sẽ phải kê khai tài sản của vợ theo quy định của pháp luật. Nếu có phát sinh tăng giảm hàng năm thì đều có quy định cụ thể, đều phải kê khai. Nếu khai chưa đủ là kê khai thiếu trung thực; Nếu không kê khai là kê khai không trung thực, điều này sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, theo Thông tư của Chính phủ, Nghị định của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, gần đây thì có Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị là các cấp ủy đảng trong việc kê khai và xử lý việc kê khai tài sản… Nếu kê khai không trung thực thì phải xử lý theo các mức quy định của pháp luật. Ông Phạm Sỹ Quý là cán bộ thuộc tỉnh ủy quản lý. Sau khi có kết luận công khai là đúng thì đề nghị hình thức xử lý, trả lời dư luận. Đây là nguyên tắc phải làm.
PV: Được biết, ông Phạm Sỹ Quý, là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái. Vậy khi thanh tra tài sản của gia đình ông Quý, đoàn thanh tra có chịu nhiều sức ép không, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Tỉnh Yên Bái chủ động đề nghị Thanh tra Chính phủ giúp đỡ. Nếu như tỉnh có làm đúng đi chăng nữa thì dư luận cũng có quyền nghi ngờ về sự khách quan, việc sự minh bạch hay sức ép… Trong vụ việc này, Tổng Thanh tra Chính phủ đã quyết định giao Cục Chống tham nhũng trực tiếp làm. Tôi cho quyết định này là hợp lý. Sau khi có kết luận thanh tra sẽ trả lời công luận.
Từ khi công bố quyết định thanh tra, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái rất tạo điều kiện cho đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ và không có bất cứ sức ép nào. Bởi vì đây là làm theo pháp luật mà dư luận và nhân dân đang đòi hỏi nên không có chuyện tác động. Với tư cách là Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, trực tiếp làm thì không có một sức ép nào, ý kiến nào can thiệp được. Việc thực hiện là để hướng đến minh bạch, khách quan, để trả lời cho công luận. Đồng thời, nếu có vi phạm thì cũng phải xử lý cán bộ nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, theo đúng chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước.
Trước mắt, chưa có sức ép, mà kể cả có sức ép thì đối với tôi cũng không tạo sức ép được vì chúng tôi làm theo pháp luật và trách nhiệm với Đảng, Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|