Sáng 10/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam (1956-2016).

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2) tặng thầy và trò Học viện Nông nghiệp Việt Nam vì những thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của Nhà nước. 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trước đây là Trường Đại học Nông nghiệp I, được thành lập vào 12/10/1956. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện không ngừng lớn mạnh, trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu đất nước. 

Học viện đã đào tạo cho đất nước và một số nước bạn hơn 80.000 cán bộ có trình độ đại học, hơn 5.000 thạc sĩ và hơn 5.000 tiến sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, khoa học đất, quản lý đất đai, chăn nuôi, thú ý, thủy sản, quản lý kinh tế… Hiện Học viện là một trong các trường đại học trọng điểm quốc gia, liên kết đào tạo và nghiên cứu với nhiều trường đại học có uy tín trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga… 

images1769053_bna_584baf50b3100.jpgThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các thế hệ thầy và trò, cán bộ, viên chức người lao động Học viện suốt 60 năm qua. Nhắc lại câu nói sâu sắc của Nhà bác học lừng danh, giáo sư Lương Đình Của: có lao động cực nhọc, có đổ mồ hôi trên đồng mới thấu hiểu hết nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ gì có tính ứng dụng, Thủ tướng cho rằng, câu nói ấy vẫn vang vọng trong con tim khối óc chúng ta, khi nền nông nghiệp, người nông dân, các cán bộ giảng viên Học viện đều ý thức rõ ràng những thách thức chúng ta đang phải đối diện. 

Thủ tướng nêu lên những thách thức lớn hiện nay đối với nền nông nghiệp Việt Nam đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặn xâm nhập, suy giảm tốc độ trăng trưởng giá trị sản xuất, chênh lệch thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng tăng, đòi hỏi nền nông nghiệp cần có đổi mới. Bên cạnh đó, mô hình nông nghiệp hiện vẫn đang phụ thuộc vào khai thác nhân lực và tài nguyên thiên nhiên, vật tư đầu vào nên chất lượng sản phẩm không ổn định, tốc độ tăng năng suất giảm dần, gây ô nhiễm môi trường. 

Nhiều vấn đề đặt ra hiện nay là việc thu hút đầu tư tư nhân, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; vấn đề chính sách đất đai, tích tụ đất đai, vấn đề thương hiệu nông sản. Cùng với đó là thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vốn đang làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp nhiều nước trên thế giới. Trong xu thế ấy, Thủ tướng nêu vấn đề: “chúng ta cần làm gì để nông nghiệp Việt Nam sẽ là một hình mẫu chứ không phải bị bỏ lại phía sau”. 

Trong thời gian tới,  Học Viện Nông nghiệp cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ tư vấn ưu tiên chiến lược về hạ tầng nông thôn, các hệ thống cảnh báo thời tiết sớm, các nghiên cứu nông nghiệp cơ bản, giám sát quản lý sâu bệnh, nâng cao năng lực thể chế về môi trường và sử dụng vật tư nông nghiệp. Thủ tướng mong muốn nhà trường đề xuất ý tưởng cụ thể nhằm thúc đẩy hiệu quả tập trung hóa đất đai, giúp tăng cường hệ thống sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị, tạo điều kiện để hộ gia đình tăng thu nhập. 

Thủ tướng đề nghị Học viện nghiên cứu điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp; tích cực tham vấn cho mục tiêu xanh hóa nông nghiệp, giảm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao. Cùng với đó là xây dựng cụm liên kết ngành nông nghiệp, qua đó đạt được kết quả quan trọng nhờ tăng cường mối liên kết giữa nông dân với các tác nhân thương mại và cơ sở hạ tầng liên quan… Học viện cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên học tập, nghiên cứu, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên.

Theo Tintuc

TIN LIÊN QUAN