Thời điểm này, người dân Nam Anh đang rộ vụ thu hoạch hồng cậy,hồng gáo. Khắp các vườn đồi các xóm 5, 6, 7, 8, 9 và vùng đồi Khe Mai, Đầm Nứa người dân tất bật thu hoạch, thương lái đánh ô tô tải vào tận vườn thu mua. Gia đình anh Trần Văn Hòa ở xã Nam Anh có 80 gốc hồng, so với mọi năm, năm nay, hồng cho quả nhiều hơn, quả to, đều và đẹp hơn. Theo nhẩm tính, mỗi gốc hồng cho thu hoạch khoảng 1,2 – 1,5 tạ quả, hết mùa cũng thu hái được 10-12 tấn hồng, với giá bán hiện tại, đem lại cho gia đình khoảng 200 triệu đồng.
Anh Trần Văn Hòa cho biết: “Như năm ngoái, hồng mất mùa nặng, sản lượng giảm 70-80%, năm nay, dù không đạt năng suất cao như những năm đỉnh điểm song cũng khá hơn. Đặc biệt, quả hồng to đều, màu đẹp, ăn giòn và ngọt nên rất được các thương lái ưa chuộng”.
Là hộ trồng nhiều hồng nhất xã Nam Anh, ông Hồ Viết Chuyên có hơn 100 gốc hồng ở đồi Khe Mai. Hai năm liên tiếp 2018, 2019 ông mất trắng mùa hồng, hơn 100 gốc hồng chỉ có vài cây cho quả, thu hoạch mót chỉ được vài tạ hồng, thất thu cả trăm triệu đồng. Năm nay, dù năng suất không cao nhưng cũng coi là “được mùa” so với 2 năm kế trước.
Ông Hồ Viết Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh cho biết: “Hồng là cây trồng chủ lực của xã Nam Anh. Toàn xã có hơn 300 hộ trồng hồng với diện tích hơn 100 ha, nằm rải đều trên các xóm dưới chân núi Đại Huệ. Hai năm qua, hồng liên tiếp mất mùa do thời tiết, sâu bệnh. Rút kinh nghiệm, sau mùa hồng 2020, bà con đẩy mạnh chăm bón, tỉa cành, cắt bớt lá, kéo dài thời gian cho cây “ngủ đông” lấy sức; đặc biệt, năm 2021, thời tiết thuận lợi, nắng lắm, mưa nhiều nên cây hồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn mọi năm nên năng suất cũng tăng lên nhiều. Ước tính, sản lượng đạt khoảng 500 tấn”.
Sau 2 năm liên tiếp mất trắng, năm nay, sản lượng hồng tăng, giá bán hồng cũng ổn định, thương lái thu mua tận vườn, bà con thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đó nên người dân rất phấn khởi.
Chị Nguyễn Thị Sâm, thương lái chuyên thu mua hồng ở xã Nam Anh cho biết: “Trước đây, khi chưa có dịch Covid- 19, hồng Nam Anh được xuất bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Song năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thị trường thu hẹp. Tuy nhiên, giá hồng vẫn giữ ổn định, không bị xuống thấp. Hiện, giá hồng thu mua tại vườn dao động từ 17.000-20.000 đồng/kg. Hy vọng, thời gian tới, khi dịch được khống chế, việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn thì giá hồng sẽ tăng cao, bù lại 2 năm liền mất trắng”.
Huyện Nam Đàn đã có đề án phát triển du lịch cộng đồng từ các vườn hồng Nam Anh, xã cũng đã chọn hồng làm sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Theo đó, xã Nam Anh sẽ được đầu tư dây chuyền công nghệ, chế biến sâu các sản phẩm từ hồng quả: hồng ép dẻo, hồng sấy giòn, mứt hồng… nâng cao chất lượng, giá trị quả hồng, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết đầu ra ổn định cho cây hồng Nam Anh.