Các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí sẽ được ghi nhận và phân tích bằng các thiết bị điện tử, giúp người nông dân, doanh nghiệp chăm sóc tốt hơn cây trồng, vật nuôi.
 
Đây là một dự án sản xuất nông nghiệp thông minh được Tập đoàn công nghệ thông tin FPT cùng với Tập đoàn điện tử Fujitsu (Nhật Bản) thử nghiệm từ năm 2015 tại nước ta.
Tên đầy đủ của dự án này là "Akisai Cloud - Dịch vụ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp trên nền công nghệ điện toán đám mây", vốn được Fujitsu triển khai thành công nhiều năm qua tại Nhật Bản ở các ngành hàng gạo, rau, hoa quả.
 
Năm 2013, doanh thu từ nông nghiệp của Fujitsu là 1 tỷ USD từ tất cả đơn vị cung cấp và triển khai dịch vụ nông nghiệp của Tập đoàn, chiếm 2,1% tổng số doanh thu của Tập đoàn này.
 
Ông Mitsutoshi Hirono, Phó Chủ tịch cấp cao, kiêm Giám đốc phụ trách kinh doanh sáng tạo của Fujitsu cho biết, hai bên sẽ thiết lập một nhà kính trồng rau quả, sử dụng thiết bị tưới nước, dùng cảm biến để đo chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm. Tất cả dữ liệu này được lưu trữ và phân tích để đưa ra các giải pháp tối ưu cho việc chăm sóc cây trồng, giúp người nông dân, doanh nghiệp tăng năng suất lao động, giảm chi phí canh tác.
 
FPT và Fujitsu sẽ lựa chọn 2 mô hình nhà kính ở Hà Nội và TPHCM để sản xuất thử nghiệm cà chua, dưa chuột, ớt ngọt và hoa lan. Ban đầu Fujitsu sẽ mang toàn bộ thiết bị từ Nhật Bản sang để lắp đặt mẫu, sau đó sẽ đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thông minh.
 
images1075014_dsc_0127.jpgLãnh đạo 2 Tập đoàn FPT và Fujitsu trong buổi giới thiệu dự án.
 
Ở Nhật Bản, năng suất cà chua sản xuất theo mô hình này đạt tới 50 tấn/ha, cao gấp 2,5 lần so với trồng tự nhiên. Số lượng lao động tương ứng là 5 người, cho doanh thu 500 triệu yên/năm.
 
“Điều đặc biệt, nhờ quản lý bằng dữ liệu điện tử mà các ông chủ nhà kính có thể chỉ đạo việc chăm sóc cây trồng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này”, theo ông Hirono.
 
Trả lời câu hỏi của Báo điện tử Chính phủ về chi phí quá cao khi làm nhà kính, ông Hirono cho biết, có thể sử dụng nhà khung tre và nylon để tiết giảm tối đa, đồng thời Fujitsu cũng chú trọng việc nghiên cứu và ứng dụng các chất liệu phù hợp với thời tiết ở Việt Nam.
 
Ngoài việc đầu tư cho công nghệ sản xuất, Fujitsu cũng có kinh nghiệm tổ chức sản xuất theo chuỗi, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. “Khi vận hành tốt chương trình sẽ hạn chế tình trạng được mùa mất giá”, ông Fujitsu nói.
 
Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, FPT tập trung cung cấp dịch vụ công nghệ này cho các nhà đầu tư là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào nông nghiệp, nông trại để nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, FPT mong muốn đẩy nhanh sự can dự của doanh nghiệp đối với ngành nông nghiệp để thúc đẩy trình độ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hơn nữa.
 
“Với người nông dân thì dự toán trước thu nhập sẽ cao hơn 3 lần hiện nay”, ông Bình cho biết.
 
Theo Chinhphu.vn