Là một trong những thủ môn tiềm năng trưởng thành từ lò SLNA nhưng thủ môn Đức Cường lại không có duyên với đội bóng quê hương. Trong giai đoạn nền tảng của sự nghiệp, Đức Cường lại không có được cơ hội thi đấu bởi trước anh là những biểu tượng trong khung thành như Thế Anh, Hồng Sơn.
Nhận thấy Đức Cường còn trẻ tuổi có thể hình tốt (cao 1m81), lại rất tiềm năng, các thầy ở SLNA tìm cách gửi Đức Cường vào SHB Đà Nẵng vào năm 2003. Và cũng tại đây, tài năng của Đức Cường có đất “dụng võ”, đặc biệt là giai đoạn năm 2005 – 2007.
Mới ngoài đôi mươi, anh được HLV Calisto triệu tập và trở thành thủ môn số 2 của Asian Cup 2007 cũng như AFF Cup 2008. Không thể cạnh tranh được suất bắt chính với người đàn anh Dương Hồng Sơn tại ĐTQG nhưng thời gian khoác áo đội tuyển đã mang lại rất nhiều kinh nghiệm cho thủ môn này.
Thời điểm năm 2009, thủ môn số 1 của SHB Đà Nẵng là Võ Văn Hạnh, Đức Cường chỉ được trao cơ hội tại sân đấu trường như Cúp Quốc gia và thủ môn xứ Nghệ đã không phụ lòng HLV Lê Huỳnh Đức với những màn thể hiện thuyết phục.
Đến năm 2011, khi Đà Nẵng đã tìm được thủ môn trẻ khác thay thế, Đức Cường phiêu dạt ra Hòa Phát Hà Nội nhưng cũng chỉ gắn bó được 1 năm, thi đấu 7 trận. Một năm sau, thủ môn sinh năm 1985 lại gia nhập Hà Nội ACB nhưng cũng không khá hơn là bao, thi đấu được 11 trận trong mùa giải 2012 thì Đức Cường rời Hà Nội.
Điểm đến mới của Đức Cường là B. Bình Dương vào năm 2013. Trong năm đầu tiên thi đấu cho đội bóng đất thủ, Đức Cường chỉ được chơi có 5 trận vì không thể cạnh tranh được với thủ môn Tấn Trường. Lúc này, Đức Cường đã 28 tuổi và anh tìm về SLNA với hy vọng giải nghệ trong màu áo quê hương.
Tuy nhiên, năm 2014 và 2015 lại là thời điểm mà thủ môn trẻ Nguyên Mạnh cho thấy sự trưởng thành vượt bậc và Đức Cường gần như không có “cửa” cạnh tranh với người đàn em. Năm 2014, anh không được thi đấu dù chỉ 1 trận còn tại V.League 2015 là 9 trận đấu.
Khi hết hợp đồng với SLNA, Đức Cường được lãnh đạo đặt vấn đề gia hạn hợp đồng và đào tạo để trở thành một HLV thủ môn trong tương lai. Ban đầu, nguyện vọng của Đức Cường cũng là được thi đấu gần gia đình. Tuy nhiên vào phút chót, Đức Cường bất ngờ quyết định quay trở lại B. Bình Dương.
Đây là một quyết định táo bạo của thủ môn này, bởi quay trở lại B. Bình Dương, Đức Cường cũng phải chịu cảnh ngồi ghế dự bị. Vị trí của Tấn Trường là không thể thay thế và sau 4 mùa bóng gần nhất thi đấu cho B. Bình Dương, V.League 2019 là mùa giải mà anh để lại dấu ấn với 11 trận. Dấu ấn đậm nét nhất của Đức Cường trong trong màu áo B. Bình Dương là chức vô địch Cúp QG năm 2018 khi anh là thủ môn được chọn bắt chính trong trận chung kết.
Đáng ngạc nhiên hơn, tuổi tác không còn trẻ, phong độ của Đức Cường không hề đi xuống mà kinh nghiệm đã được anh phát huy một cách tối đa. Những pha đổ người, cứu thua hay ra vào của anh đều mang lại sự yên tâm cho các đồng đội tại B. Bình Dương.
Nhờ sự bền bỉ và kiên trì, chuyên nghiệp trong tập luyện, sự nghiệp của Đức Cường như một bông hoa nở muộn. Bước sang năm 2020, khi thủ môn Tấn Trường đã sa sút phong độ và giải nghệ thì cơ hội của Đức Cường lại càng nhiều hơn. Anh sẽ là thủ môn số 1 của B. Bình Dương tại V.League 2020 vì B. Bình Dương chỉ đăng ký đúng 2 thủ môn bên cạnh Phạm Văn Tiến.
Trong số các thủ môn còn thi đấu tại V.League thời điểm hiện tại, Đức Cường được xếp vào diện kỳ cựu nhất với gần 20 năm thi đấu đỉnh cao, gặt hái được nhiều danh hiệu.
Nhìn Đức Cường thi đấu ổn định trong màu áo B. Bình Dương trong bối cảnh Nguyên Mạnh đã rời SLNA, người hâm mộ xứ Nghệ có lý do để tiếc nuối cho đội bóng xứ Nghệ. Tuy nhiên, lựa chọn B. Bình Dương để gắn bó là một quyết định khá hợp lý của anh, bởi đến với đội bóng này đã mang lại cho anh rất nhiều thứ.