(Baonghean) - Từ trung tâm xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn), theo chân Bí thư đoàn xã Mùa Bá Chư, chúng tôi men theo con đường cheo leo sườn núi để về bản Lữ Thành - nơi cư trú của 50 hộ đồng bào dân tộc Mông...

Mùa Bá Chư sinh năm 1981, học hết THPT, anh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và đóng quân ở đảo Mắt 3 năm. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, bạn bè của Chư mỗi người chọn một con đường lập nghiệp. Có người vào Nam làm công nhân, có người tìm cách bám trụ ở các thành phố lớn để tìm cơ hội. Với Chư, ngay từ đầu anh quyết định trở về gắn bó với bản làng, quê hương, nơi mình được sinh ra và lớn lên, nơi cuộc sống còn gian nan, vất vả. Trở về quê, Chư tích cực tham gia công tác Đoàn. Từ năm 2013, Mùa Bá Chư được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Để nâng cao kiến thức, phục vụ tốt cho công việc, Chư đăng ký tham gia lớp tại chức Đại học Luật. 
images1062365_img_0484.jpgMùa Bá Chư (phải) hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho đoàn viên.
Làm cán bộ Đoàn, Mùa Bá Chư có điều kiện tiếp xúc nhiều với các ấn phẩm báo chí để nâng cao trình độ. Anh dành thời gian để tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế trang trại để áp dụng và hướng dẫn bà con dân bản. Bởi lẽ, từ lâu Chư đã nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế trang trại ở Lữ Thành. Đối với đồng bào Mông, điều quan trọng là “cho thấy” hơn là “cho nghe”, nên Chư quyết định phải làm để bà con thấy và làm theo. Anh vây một vùng lớn bên khe Huồi Nhăn, vay vốn mua bò, lợn đen, gà đen về chăn thả. Rồi anh vận động bà con, trước hết là các đoàn viên - thanh niên khoanh nuôi phát triển trang trại. Làm theo Chư, Mùa Bá Là và Mùa Nỏ Súa cũng đầu tư phát triển đàn bò, đàn lợn, đàn gà, ngăn khe Huồi Nhăn để nuôi vịt. Riêng Mùa Nỏ Súa, có hơn 10 con bò, 20 con lợn, hàng trăm con gà, mỗi năm thu lợi từ 70 - 80 triệu đồng. Nghe lời Chư, hầu hết các đoàn viên, thanh niên đều xây dựng mô hình trang trại có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thấy lớp trẻ hăng hái làm kinh tế trang trại, đem về nguồn thu lớn, bà con Lữ Thành thi nhau vào dọc khe Huồi Nhăn khoanh vùng chăn nuôi. Tính đến nay, dọc khe Huồi Nhăn đã có khoảng 40 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn nhỏ khác nhau của người dân Lữ Thành. Làm trang trại, đời sống của đồng bào Mông ở Lữ Thành đã khấm khá hơn nhiều, không còn cảnh phải chạy ăn từng bữa. Phát triển trang trại, diện tích nương rẫy giảm xuống nên vốn rừng được bảo vệ, môi trường sống luôn trong lành. Không ai nói ra, nhưng chúng tôi nhận thấy bà con đều biết ơn Mùa Bá Chư, vì anh là người mạnh dạn đi đầu!
 
Ngày nghỉ cuối tuần, Mùa Bá Chư thường tranh thủ ghé thăm trang trại các đoàn viên để tiếp tục trao đổi, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi. Anh đến từng nhà trong bản để thăm hỏi người già, động viên người trẻ chăm chỉ làm ăn, khuyến khích các em nhỏ tích cực học tập. Rồi căn dặn mọi người không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu di cư sang Lào, cảnh giác với những kẻ đến truyền đạo trái pháp luật.
 
Nói về Chư, đồng chí Xã Thị Xý, Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn khẳng định: “Mùa Bá Chư là một Bí thư Đoàn xã năng động, tích cực và nhiệt tình với công việc, có thể xem là một “thủ lĩnh trẻ” ở Tây Sơn. Đồng chí được các đoàn viên và bà con Tây Sơn yêu mến và tin tưởng. Mỗi khi triển khai công việc ở Tây Sơn, chúng tôi luôn tin tưởng sẽ thành công, bởi Chư có khả năng tổ chức, tập hợp và thu hút đoàn viên!”.
 
Bài, ảnh: Tường Anh