(Baonghean) - Phía đối diện của ngọn núi Bù Câng, cách con sông Nậm Giải là nơi ở của 3 bản: Piêng Mòn, bản Cọc và bản Đai. Đây là 3 bản đặc biệt khó khăn của xã Quế Sơn nói riêng và của huyện Quế Phong nói chung...
 
Từ trung tâm xã Quế Sơn vào cụm 3 bản Piêng Mòn, bản Cọc, và bản Đai chỉ hơn 12 km nhưng phải vượt qua những đoạn đường trơn, lầy lội, những đoạn đá cuội, đá tai mèo lởm chởm. Gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy mới tới được với bản Cọc. Đây là bản của người Thái sinh sống, có 24 hộ dân với 106 nhân khẩu. Hiện bản Cọc có 9 hộ nghèo. Xét mặt bằng chung, bản Cọc vẫn có mức sống khá hơn bản Piêng Mòn và bản Đai. Tuy đại bộ phận người dân vẫn chỉ làm kinh tế manh mún, phụ thuộc vào khai thác các sản phẩm từ rừng. 
images1062381_1__2_.jpgĐường vào bản Piêng Mòn, bản Cọc và bản Đai.
Cách bản Cọc chưa đến nửa km đường là bản Piêng Mòn. Chị Trương Thị Thương, Bí thư chi bộ bản Piêng Mòn, cho biết: Bản có 77 hộ người Khơ mú, với 349 nhân khẩu. Hiện, 100% số hộ nghèo và cận nghèo. Người dân bản Piêng Mòn sản xuất lúa nước và trồng sắn trên các nương rẫy. Cả bản có 33 ha đất tự nhiên, trong đó gần 7 ha đất lúa nước, còn lại là đất ở và đất đồi núi. Do ruộng nằm rải rác, địa hình không bằng phẳng, nên đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, dân bản không thể sang sông để canh tác. 
 
Nhận thấy sự khó khăn về đất sản xuất của bản, xã Quế Sơn đã cấp thêm cho bản Piêng Mòn 18 ha từ đất của Công ty Lâm trường đóng trên địa bàn. Diện tích đất bổ sung hầu hết là đất đồi và nằm bên kia sông Nậm Giải, vì thế, người dân bản Piêng Mòn vẫn gọi khu đất này là “đất một mùa”.
 
Nói đến khó khăn của bản Piêng Mòn, bản Cọc và bản Đai, đầu tiên là về giao thông. Hiện tại, đường bê tông nội bản của cả 3 bản đã được triển khai một phần, tuy vậy, số đã làm được so với số chiều dài cần làm là quá ít. Chị Trương Thị Thương chia sẻ: Vì con đường mà những sản phẩm hàng hóa của người dân bản làm ra cũng không bán được, có bán được cũng rất rẻ. Đến mùa mưa, nhiều hôm học sinh phải nghỉ học vì đường khó đi, các cô giáo, thầy giáo của trường không thể vào dạy được. 
 
Hệ thống điện lưới của 3 bản cũng chưa có. Hiện tại, đại bộ phận người dân vẫn còn phải dùng đèn dầu để thắp sáng. Một số hộ dân tự sắm, tự xây các “thủy điện” mini, việc làm đó hết sức khó khăn và tốn kém. Bản Cọc may mắn hơn 2 bản Piêng Mòn và bản Đai vì thỉnh thoảng còn có sóng điện thoại.
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Quế Sơn cho hay, việc giải quyết vấn đề về đường và điện ở bản Piêng Mòn, bản Cọc và bản Đai hết sức khó khăn vì kinh phí quá lớn.
 
Bài, ảnh: H.P