Trong Tiếng Việt, a dua được hiểu là hùa theo, bắt chước, dựa vào người khác một cách vô ý thức hoặc để lấy lòng hoặc do thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh,... Khi nói ai đó a dua là muốn ám chỉ một thái độ tiêu cực, thiếu độc lập suy nghĩ, chỉ “ăn theo, nói leo”,... và đó là một thói xấu, cần được khắc phục.

3467251985_972021.jpgảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ việc đồng tình, đồng thuận, sự ủng hộ, cổ xúy cho một ý kiến hay, một ý tưởng đúng hoặc nhân tố mới, tích cực hoàn toàn khác với sự a dua.

Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ nhận thấy một số người sống theo kiểu a dua: Tham dự hội nghị, họ không tư duy độc lập, suy nghĩ động não. Họ rất ít khi phát biểu trước. Khi có người phát biểu có vẻ “xuôi tai” – nhất là người phát biểu là lãnh đạo, có vị trí quan trọng hoặc khi có những lợi ích cho mình thì họ tỏ ra đồng tình rất cao, muốn cả tập thể theo ý kiến đó. Cũng có người “tinh vi” hơn, họ tìm cách nói theo, phụ họa vừa để lấy lòng lãnh đạo, vừa giành phần lợi ích cho mình. Khi biểu quyết thì họ chọn giải pháp an toàn là theo số đông, không cần biết đúng hay sai.

Người có thói a dua thì không dám thẳng thắn trình bày suy nghĩ, nhận thức của mình. Họ sợ bị đánh giá, phê bình, họ không đủ bản lĩnh để bảo vệ,  chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Họ “trung dung”, “phòng ngự”, họ tìm cách để lách tránh rất tài tình để yên thân! Thực chất, a dua là căn bệnh của những người yếu hèn, thiếu trình độ, năng lực và phẩm chất, “gió chiều nào theo chiều ấy”. Người a dua thì rất thiếu tính tự tôn, tự trọng. Mà nặng hơn nữa sẽ sa vào xu thời, nịnh thối.

Ngày nay, số người tham gia mạng xã hội rất đông. Trên đó cũng rất nhiều hiện tượng a dua, người a dua. Trong khi đại đa số người dân luôn tích cực lao động, học tập, tìm tòi, sáng tạo để vượt khó vươn lên trong cuộc sống thì có một bộ phận không chịu động não mà a dua, học đòi, chạy theo những lối suy nghĩ, mốt làm ăn, phong cách sống mà họ cho đó là “thời thượng”. Đáng tiếc là một bộ phận trong giới trẻ bắt chước, đua đòi theo những giọng điệu, những trào lưu, những phong cách sống lai căng, quái dị,... một cách “vô tư”, mù quáng, thiếu ý thức. Nguy hiểm nhất là khi nhiều người a dua, phụ họa theo những quan điểm lệch lạc, nhận thức sai trái của những phần tử bất mãn, phản động,...

A dua là căn bệnh dễ lây! Từ chỗ sợ “thổi lửa bỏng mồm”, họ chọn cách an toàn. Một người an toàn, được lợi thì người khác làm theo. Một tập thể - nhất là tập thể lãnh đạo mà “không may” có nhiều vị kiểu này thì khó mà “tiến công” được.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần phải tích cực tự học, tự rèn, không ngừng nâng cao nhận thức về mọi mặt để tự tin, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của mình, đứng trên đôi chân của mình, nói theo con tim, khối óc của mình, chính là thiết thực chống lại căn bệnh a dua.