Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn thành bản kết luận điều tra bổ sung vụ án; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 7 bị can về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Các đối tượng bị truy tố là Nguyễn Trọng Vĩnh (SN 1976, trú tại khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Lê Đăng Thoa (SN 1974, trú tại xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa); Trần Thị Hiền (SN 1987, ở tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và 4 đối tượng khác.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 10/2018, trong quá trình môi giới, tiếp nhận hồ sơ của các cá nhân, khách hàng đăng ký học tại một số trường trên địa bàn Hà Nội, Nguyễn Trọng Vĩnh nắm bắt được nhu cầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ môn học quản lý hành chính Nhà nước và quản lý ngành giáo dục đào tạo, bằng tốt nghiệp trung cấp, bảng điểm, giấy xác nhận điểm, công văn xác nhận kết quả thi của nhà trường (gọi chung là văn bằng, chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ học tập, xin việc làm…) của một số cá nhân.
Thực hiện tội phạm, Vĩnh kết nối với Lê Đăng Thoa, thỏa thuận việc làm giả các loại chứng chỉ, văn bằng giả. Sau khi thống nhất về giá tiền, Vĩnh và Thoa thống nhất phương thức giao và nhận "hàng" nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Theo đó, sau khi nhận thông tin của khách hàng có nhu cầu làm chứng chỉ giả, Vĩnh sẽ chuyển cho Thoa qua email hoặc qua xe khách tuyến Hà Nội - Thanh Hóa. Xong giấy tờ giả, Thoa chuyển lại cho Vĩnh qua xe khách. Quá trình giao dịch, Vĩnh sử dụng tên giả là An; Thoa sử dụng tên giả là Hải…
Đến khoảng tháng 10/2019, Thoa lôi kéo Thủy vào đường dây phạm tội. Thủy có trách nhiệm chuyển văn bằng, chứng chỉ giả cho Vĩnh và nhận tiền công làm văn bằng, chứng chỉ giả do Vĩnh chuyển về cho Thoa.
Đến tháng 9/2019 thì Trần Thị Hiền, em dâu Vĩnh tiếp tục tham gia vào đường dây phạm tội. Hiền tham gia soạn thảo công văn, giấy xác nhận điểm giả; nhận văn bằng, chứng chỉ giả; nhận các văn bằng, chứng chỉ giả tại Bến xe Giáp Bát do Thủy chuyển ra Hà Nội để chuyển đến đối tượng trung gian hoặc khách hàng mua văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời, thu tiền của đối tượng trung gian hoặc khách hàng mua văn bằng, chứng chỉ và chuyển lại cho Vĩnh; chuyển tiền công làm giả cho Thoa qua xe khách và được Vĩnh trả công từ 1-2 triệu đồng/1 tuần hoặc 2 tuần…
Cơ quan An ninh điều tra xác định hành vi phạm tội của hai trung gian trong đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ giả là Vũ Thị Thái Hòa và Nguyễn Thị Thùy Linh. Trong đó, Hòa là giáo viên đã nghỉ hưu còn Linh vào thời điểm phạm tội đang là giáo viên của một trung tâm ngoại ngữ.
Theo điều tra, Nguyễn Trọng Vĩnh đã tiếp nhận thông tin của 192 khách hàng, 4 công văn để gửi cho Lê Đăng Thoa làm giả 199 văn bằng, chứng chỉ và 6 công văn trả lời; đồng thời gửi cho đối tượng khác làm giả 3 văn bằng… Tổng cộng Vĩnh chịu trách nhiệm liên quan 208 văn bằng, chứng chỉ, công văn giả. Lê Đăng Thoa đã tiếp nhận thông tin của 190 khách hàng, 4 công văn từ Vĩnh để làm giả 199 văn bằng, chứng chỉ và 6 công văn trả lời… Thoa chịu trách nhiệm liên quan 205 văn bằng, chứng chỉ, công văn giả;
Vũ Thị Thái Hòa đã chịu trách nhiệm liên quan 213 văn bằng, chứng chỉ, công văn giả; Nguyễn Thị Thùy Linh chịu trách nhiệm liên quan 212 văn bằng, chứng chỉ, công văn giả; Lê Đình Thủy đã tham gia giao, nhận văn bằng, chứng chỉ, công văn giả từ Thoa, Vĩnh; nhận tiền công làm giả từ Nguyễn Trọng Vĩnh để chuyển cho Lê Đăng Thoa. Quá trình điều tra bị can Vĩnh, Thoa, Hiền và Thủy và các đối tượng liên quan đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng tỷ đồng.
Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra đã xác định được trách nhiệm của một số cá nhân có liên quan cũng như việc sử dụng của một số cá nhân để hợp thức hóa các văn bản, giấy tờ xin việc của một số cá nhân…, qua đó kiến nghị hình thức xử lý theo quy định của pháp luật./.