Trong các trò chơi dân gian xứ Huế, bài tới thường được phụ nữ chơi quanh năm vào lúc nhàn rỗi. Vào ngày Tết, bài tới là thú vui không thể thiếu được của nhiều người Huế. Đến bất cứ ngôi làng nào, khách cũng bắt gặp những phụ nữ ngồi trên chiếu cùng đánh bài tới, hò đối đáp.
Một bộ bài tới ở Huế thường có 30 cặp quân bài và được chia làm 3 pho, gồm pho văn, pho vạn, pho sách và 3 cặp yêu. Pho văn gồm các quân bài gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn gồm các quân bài trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy.
Pho sách gồm các quân bài nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp yêu gồm ầm, tử, và tuyết. Các quân bài của bộ bài tới được in trên giấy dài 12cm, rộng 3cm.
Theo luật kiểu đánh bài tới, 6 người chơi được chia làm hai đội, mỗi người được chia 10 quân bài. Các quân bài sẽ được đánh nối tiếp nhau, người nào hết bài trước là thắng. Trước lúc đánh quân bài nào, người chơi phải hò vài câu ca dao đối đáp để người chơi đối diện bắt quân bài nhận dạng được. Các quân bài đỏ như tử, ầm, mỏ, người chơi không được về sau, bắt buộc phải đánh ra trước các quân bài khác.
Đặc biệt, bộ bài tới còn dùng để chơi các loại bài khác như bài ghế, bài thai, bài nọc, bài phu, bài đôi và phổ biến nhất là bài chòi (người chơi thường ngồi trong một chiếc chòi). Vào ngày Tết, một số ngôi làng ở Huế đều dựng chòi để chơi.
Bà Nguyễn Thị Bù (67 tuổi, làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) cho biết, bài tới là trò chơi dân gian của những người lao động nghèo. Tên các quân bài rất quen thuộc với người dân như gióng, gối, đỏ mỏ. "Ngày nào tôi cũng cùng mấy chị em trong làng tập hợp chơi với nhau. Mặc dù ngồi còng lưng nhưng vẫn muốn chơi", bà Bù nói.
Bài tới có nhiều cách chơi, mỗi địa phương có cách chơi riêng. Như làng Thanh Thủy Chánh vào ngày Tết người dân thường dựng chòi bên bờ sông Như Ý, nơi có cây cầu ngói bắc qua để chơi. Người chơi sẽ ngồi trong chòi, vè về quân bài sẽ đánh để người khác nhận ra.
Là người duy nhất còn lưu giữ bản khắc gỗ để sản xuất bài tới, bà Ngô Thị Bê (66 tuổi, thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) cho biết, bài tới có từ xa xưa. Bộ khắc gỗ bài bà đang dùng là do ông nội bà để lại.
"Mỗi quân bài tới sẽ có một bài vè nói lên ý nghĩa của nó. Thú vị nhất của trò chơi là người chơi sẽ đối đáp thông qua các quân bài. Hàng năm, gia đình tôi sản xuất hơn 10 nghìn bộ bài cung cấp cho người dân các tỉnh miền Trung chơi dịp Tết", bà Bê nói.
Tháng 12/2017, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam - một loại hình chơi của bài tới - đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.