Mấy trăm đại biểu, đại diện cho 8 vạn đảng viên kìm nén nỗi đau xé ruột, lắng nghe như nuốt từng lời; Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết tâm thư hành động của Đảng bộ Nghệ An gửi toàn dân, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn văn bức thư của Bác gửi Đảng bộ Nghệ An ngày 21/7/1969.
Quê hương nghĩa nặng
Bức thư gửi cho quê hương trước 2 tháng Bác thanh thản về với thế giới người hiền, để lại quê hương nỗi nhớ không nguôi. Bức thư chan chứa, ân tình lời căn dặn cuối cùng của Bác: “… Làm cho Nghệ An mau trở thành tỉnh khá nhất của miền Bắc”, trở thành bản Di chúc thứ hai cho Đảng bộ, Nhân dân Nghệ An hành động trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch làm tiền đề phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng trước mắt và cả mai sau.
Sinh thời, suốt hơn 60 năm “…hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân…” dù ở đâu, làm gì, ở cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành suy nghĩ và những tình cảm nồng hậu, thiêng liêng với xứ sở, quê hương yêu dấu của Người, trong đó có vùng quê Nghệ An, nơi cội nguồn sinh ra, gắn bó với Người từ những năm tháng của thời thơ ấu, như lời thơ của Bác “quê hương nghĩa nặng tình cao”.
Sau ngày giành chính quyền năm 1945, dù bận biết bao nhiêu việc, vào thời khắc điều hành nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đối phó thù trong, giặc ngoài, cứu đói cho dân, giệt dốt cho dân, Người vẫn không quên gửi bức thư đầu tiên tháng 10 năm 1945 cho Đảng bộ Nghệ An. Bác lấy danh nghĩa một đồng chí già để san sẻ ít kinh nghiệm. Bác chỉ ra một số vấn đề thiết thực về công tác tổ chức cán bộ như “… củng cố khối đoàn kết, sửa chữa những khuyết điểm, khắc phục khuynh hướng chật hẹp, bao biện, kỷ luật không nghiêm”.
Bức thư của Bác đến vào dịp Nghệ An mở hội nghị thành lập Đảng bộ sau 2 tháng giành chính quyền (21 tháng 8 năm 1945) là nguồn cổ vũ, động viên lớn, chỉ dẫn thiết thực phương hướng, giải pháp củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền non trẻ, nhất là đội ngũ cán bộ Đảng, đoàn thể đáp ứng nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới. Lời chỉ dẫn, góp ý trong thư của Bác trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đại hội Đảng bộ lần thứ III ngày 3 tháng 11 năm 1945. Lúc bấy giờ tham dự Đại hội chỉ có 23 đại biểu, thay mặt cho 200 đảng viên. Đoàn Chủ tịch Đại hội đã đọc toàn văn bức thư của Bác gửi Đảng bộ Nghệ An, thư Bác đề “Gửi các đồng chí bản tỉnh”.
Bức thư thứ hai, Bác gửi ngày 1 tháng 7 năm 1947, lúc này toàn quốc mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nghệ An và Khu 4 trở thành hậu phương trực tiếp của các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Lào, Tây Nguyên, chiến trường Thượng Lào.
Thư của Bác “gửi các đồng chí Trung Bộ” trong đó có Nghệ An trực tiếp chi viện nhân tài, vật lực cho Bình - Trị - Thiên và chiến trường nước bạn Lào. Bác nhắc nhở trong thư tới cán bộ, đảng viên phải tẩy sạch những khuyết điểm như: “địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, cô độc, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, ích kỷ, kiêu ngạo. Và mong các đồng chí đem toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục khuyết điểm, phát huy các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, hăng hái chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái vào trận kháng chiến, đi đến thắng lợi vẻ vang”.
Thực hiện lời dặn dò của Bác về “mở rộng hàng ngũ…”, từ năm 1947 đến năm 1949, Đảng bộ Nghệ An đã bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách nhân tố tích cực trong “kháng chiến kiến quốc”, kết nạp 15.000 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên Đảng bộ tỉnh lên 42.890 đảng viên, riêng đảng viên nữ và người dân tộc miền núi chiếm 6.439 đảng viên.
Trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến tháng 7 năm 1969, quan tâm tới phong trào thi đua kháng chiến, sản xuất và xây dựng nền tảng con người mới, Bác liên tục gửi thư động viên người thân Kim Liên như ông Hoàng Phan Kính, Trần Lê Hữu vào tháng 4 năm 1949. Ngày 1 tháng 12 năm 1953, Bác gửi thư khen thành tích, động viên cụ Vi Văn Đang ở xã Kim Đa, huyện Tương Dương.
Bác khen ngợi cụ Vi Văn Đang có thành tích thi đua học chữ Quốc ngữ, nòng cốt vận động con cháu tham gia phong trào “Bình dân học vụ”, Bác gửi thư cho các cụ “Phụ lão diệt dốt” xã Kim Liên, huyện Nam Đàn ngày 19 tháng 12 năm 1958. Và ngày 10 tháng 3 năm 1966, Bác gửi thư khen cán bộ, quân dân Nghệ An lập công xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu giỏi, bắn rơi 150 máy bay giặc Mỹ.
Động viên thắng lợi chiến tranh nhân dân, ngày 12 tháng 4 năm 1966, Bác lại gửi thư khen cán bộ, dân quân các dân tộc huyện Quế Phongmưu trí bắn rơi máy bay giặc Mỹ.
Bác xem bản tin VNTX ngày 7 tháng 4 năm 1966, phát hiện tin dân quân Quế Phong bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, rồi tới ngày 12 tháng 4 cùng năm, Bác gửi thư động viên kịp thời. Và ngày 27 tháng 1 năm 1969, tuy sức khỏe giảm sút, Bác vẫn dành tình cảm cho lực lượng Thanh niên xung phong Đại đội 333 đang chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch tại trọng điểm cầu Cấm, nơi giặc Mỹ đã đánh phá khốc liệt từ năm 1965 đến cuối năm 1968 hơn 5.000 trận.
Di huấn của Bác trở thành hành động cách mạng
Còn nhớ vào thời khắc “tổn thất lớn lao, đau thương vô hạn”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động phong trào toàn Đảng bộ, đồng bào các dân tộc, lực lượng vũ trang, đoàn thể quần chúng học tập, làm theo Thư của Bác, Di chúc của Bác, lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương biến đau thương thành hành động cách mạng. Chưa bao giờ, chưa lúc nào ý chí, hành động của người đảng viên, đoàn viên, thanh niên, công nhân, viên chức, xã viên hợp tác xã thủ công, nông nghiệp, trí thức, chiến sĩ lại dâng cao đến vậy. Các “công trình mang tên 79”, biểu hiện trong ngành Nông nghiệp, 79 cánh đồng sản xuất lương thực cao sản, hướng tới mục tiêu đạt 79 vạn tấn lúa và màu, xây 79 hồ, đập thủy lợi. Ngành Lâm nghiệp trồng mới 7.900 héc- ta cây công nghiệp và cây phủ xanh đất trống, đồi trọc. Ngành Công nghiệp phát động công nhân, viên chức cải tiến kỹ thuật, sản xuất công cụ phục vụ nông nghiệp, mỗi sản phẩm đều ghi đậm dấu ấn đền ơn Bác. Từ tháng 5 năm 1970 đến tháng 6 năm 1971, Đảng bộ Nghệ An bồi dưỡng, kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh với 1.790 người.
Trong cơ cấu cấp ủy từ tỉnh xuống cơ sở, tỷ lệ cán bộ trẻ từ 36% lên 50%, cán bộ nữ và người dân tộc Thái, Mông, Khơ mú từ 18% lên 30%. Từ năm 1973 đến năm 1975, mang ý chí, tình cảm “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, tuổi trẻ Nghệ An nhập ngũ tới 11.073 người, trong số ấy có nhiều sinh viên Đại học, Cao đẳng Vinh, giáo viên, đội ngũ y, bác sĩ, kỹ sư… Mang trong mình dòng máu Xô- Viết và lời kêu gọi của Bác, họ chiến đấu dũng cảm trên khắp chiến trường ác liệt, lập công xuất sắc góp xương máu giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.
Nguồn sáng thư của Bác lại tỏa rạng, chỉ đường cho Đảng bộ, Nhân dân Nghệ An trong thời kỳ hội nhập, phát triển, vững niềm tin “vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ”, đổi mới tư duy kinh tế, khơi dậy khát vọng làm giàu cho chính mình, cho quê hương, cho cả đất nước.
Mỗi một bước đi, mỗi một chặng đường phát triển, thậm chí mỗi một nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ Nghệ An cảm thấy như có Bác bên cạnh, vẫn ấm nồng và ân cần lời dạy như lúc sinh thời Người dành tình thương cao cả cho Nghệ An.
Và phải vậy chăng mà từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, hậu quả chiến tranh phá hoại kéo dài, thiên tai liên miên, dữ dằn, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân, các cấp, các ngành làm giàu trên từng đơn vị đất đai, tài nguyên với tâm thế thực hiện trọn vẹn lời Bác dặn “… phải làm cho Nghệ An mau trở thành một tỉnh khá…”. Đến thời điểm này Nghệ An có 281/411 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 17.128 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 hơn 10.042,46 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,58%, tăng 2,97% so với cùng kỳ (mức tăng trưởng xếp thứ 2/6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 14/63 tỉnh, thành phố cả nước).
Đã 52 năm trôi qua, kể từ ngày Bác gửi bức thư cuối cùng cho Đảng bộ Nghệ An, những lời dặn dò ân cần, cụ thể của Bác vẫn còn tươi nguyên giá trị cả về tư tưởng lẫn lý luận hành động thực tiễn, soi sáng, dẫn đường cho mỗi bước phát triển lên tầm cao mới của Đảng bộ và nhân dân quê hương Bác. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang là động lực cách mạng trên quê hương của Người. Bởi “Bác là quê hương như sông Lam chẳng cạn”. Bởi “Bác là niềm tin tất thắng”.