(Baonghean) - Trên kênh VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam vừa đưa đến cho người xem một thông tin, với đất quế Nghệ An, thì đây có thể xem là một thông tin quý.

Ông Vũ Hữu Lê ở tỉnh Yên Bái đã có một sáng chế: Hệ thống chưng cất tinh dầu quế từ lá quế. Hệ thống này thu hồi được 7kg tinh dầu quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu từ 1.000 kg (1 tấn) lá quế. Giá bán mỗi kg tinh dầu quế từ 600.000 đến 700.000 đồng. Như vậy, sau khi chưng cất 1 tấn lá quế (vốn là thứ trước đây gần như không biết sử dụng vào việc gì) ta sẽ có thu từ bán tinh dầu quế trên 4 triệu đồng. Cây quế ở Yên Bái nhờ đó bán được cả vỏ quế (sản phẩm chính) gỗ quế và lá quế. Từ đó người trồng quế sẽ có thu nhập cao hơn so với trước đây chỉ có sản phẩm duy nhất là vỏ quế để bán.

Nghệ An ta vốn rất nổi tiếng với quế Quỳ (quế có nguồn gốc trồng ở Quỳ Châu, Quế Phong). Đã một thời quế được coi là cây có thế mạnh ở 2 huyện này. Nhưng rồi, trồng quế hiệu quả thấp do thị trường tiêu thụ và do không tận dụng được gỗ quế và lá quế để làm ra sản phẩm hàng hóa. Từ đó, gần như quế mất hẳn vị trí vốn có. Và danh hiệu, hay thương hiệu quế Quỳ cũng trở thành dĩ vãng. Buồn thay cho cây quế tỉnh nhà!

Ở cả 2 huyện quế: Quỳ Châu và Quế Phong, cho đến nay, cây gỗ nguyên liệu: chủ yếu là keo lai đang có tính phổ biến cho kinh tế rừng. Trồng keo lai chu kỳ là 7 năm. Trồng quế, cho  đến kỳ thu hoạch sản phẩm quế cũng là 7 năm trở lên. Nhưng trong 7 năm đó, hàng năm người trồng có thể tận thu lá quế - nếu có cơ sở chưng cất tinh dầu. Sau khi thu hoạch vỏ quế, thân gỗ quế vẫn có thể cưa xẻ thành gỗ ván để bán. Thu nhập trên 1ha quế từ vỏ quế, lá quế và gỗ quế sau chu kỳ 7 năm chắc chắn sẽ cao hơn thu nhập trên 1ha rừng nguyên liệu. Người dân ở 2 huyện này vốn là người trồng quế từ xưa, có nhiều hiểu biết về ương giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch quế.

Phải chăng, đã đến lúc tỉnh ta cần phục hồi lại vị trí cây quế trên đất rừng của cả Quỳ Châu lẫn Quế Phong.


Trương Công Anh