(Baonghean) - Quế Phong là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của cộng đồng gồm 6 dân tộc anh em, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 95% dân số. Thời gian qua, nhờ lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân tộc, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khoá IX) về công tác dân tộc, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực…

Năm 2009, hàng chục hộ đồng bào Mông ở xã biên giới Tri Lễ bỏ nương rẫy ồ ạt di cư sang Lào sinh sống làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trở nên phức tạp. Trước tình hình đó, huyện Quế Phong đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Lãnh đạo huyện và cán bộ các ban, ngành đoàn thể cấp huyện đi bộ hàng chục cây số đường rừng sang Lào vận động đón 111 hộ (913 khẩu) trở về, vận động đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú nhường đất ruộng, nương rẫy, hỗ trợ vật liệu giúp đồng bào Mông làm nhà ở. Khu tái định cư bản Minh Châu cho đồng bào Mông đã được thành lập, đến nay đã ổn định cuộc sống. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua Chương trình 135, 30a, phục vụ việc học tập, đi lại, lưu thông hàng hoá của nhân dân trong huyện thuận lợi hơn.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh đợt lên công tác tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong vào giữa năm 2011. Lúc đó, Thiếu tá Đàm Thiên Thương, cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã đang phối hợp với cán bộ Ban Phát triển nông thôn – miền núi huyện Quế Phong hướng dẫn đồng bào Mông hồi cư từ nước bạn Lào trở về định cư ổn định tại Khu TĐC Minh Châu khai hoang ruộng làm lúa nước.

Ông Lỳ Tồng Súa – Trưởng bản Huồi Mới 1 – là già làng rất có uy tín của đồng bào Mông sinh sống dưới chân đỉnh Pha Cà Tún rất phấn khởi chia sẻ khi ông lặn lội xuống Minh Châu khai hoang ruộng lúa cùng đồng bào: “Mình xuống để vận động bà con yên tâm xây dựng cuộc sống trên quê hương mới, không du canh du cư, nay đây mai đó nữa”.

800312_small_102388.jpg

       Cung ứng cá giống cho bà con xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Hữu Nghĩa.

Nhờ vậy, cuối năm 2011, đồng bào Mông TĐC ở Minh Châu đã thu hoạch được vụ lúa đầu tiên và ngày càng yên tâm xây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo xây dựng mô hình kinh tế mới như trồng chanh leo, trồng mía nguyên liệu… Với sự gương mẫu của các đảng viên như Lỳ Bá Chống – Bí thư chi bộ bản D1 (Minh Châu) “dám” vay vốn ngân hàng để trồng mía, nhiều hộ dân trong bản đã không ngần ngại làm theo. Vụ đầu tiên có 4ha mía nguyên liệu được trồng, mang theo niềm hy vọng của bà con vùng cao chăm chỉ. Chính việc phát triển đa dạng các mô hình, cùng với sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên, giờ đây Minh Châu đã trở thành mảnh đất lành cho “những cánh chim rừng không mỏi” yên tâm định cư, xây dựng cuộc sống ổn định.

Từ chủ trương của huyện tăng cường chăm lo cho đồng bào các dân tộc, đảng ủy, chính quyền địa phương các xã đã giúp đồng bào xây dựng các mô hình nuôi dúi, trồng chanh leo, trồng chuối tiêu hồng và khai hoang mở rộng hàng chục ha đất canh tác. Nhờ vậy, từ chỗ trước đây đồng bào chỉ biết sống dựa vào rừng làm nương rẫy, hái măng, săn bắt thú rừng, nay đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gieo trồng các giống lúa mới, ngô lai, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, tăng vụ kết hợp trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trồng chanh leo tại bản Yên Sơn, San và Minh Châu, xã Tri Lễ với tổng diện tích khoảng 11ha. Thu nhập ổn định từ chanh leo đã giúp nhiều nông dân ở Tri Lễ thoát nghèo, cho con cái học hành đầy đủ.

Ông Vi Thanh Xuân – bản Yên Sơn chia sẻ: “Trước đây gia đình phải vay tiền cho con đi học nhưng từ khi trồng chanh leo 3 năm lại đây, thu nhập gia đình ổn định. Không phải đi vay mượn nữa”. Đến nay, Quế Phong đã có hàng trăm hộ phát triển kinh tế vườn rừng, trang trại tổng hợp theo mô hình VACR với diện tích từ 10 - 30 ha gồm đủ các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu cho thu nhập từ 30 - 50 triệu mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 44% (theo chuẩn mới).

Công tác tạo nguồn cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện khá tốt. Thời gian qua, Đảng bộ huyện Quế Phong đã kết nạp 200 đảng viên mới, trong đó có 157 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đảng viên người dân tộc thiểu số được tạo nhiều điều kiện đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, huyện.

Đồng chí Kha Văn Tám, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong cho biết: “Thực hiện Nghị quyết T.Ư7 (Khóa IX), Đảng bộ huyện Quế Phong luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, bằng các chương trình cụ thể, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.


Lao Thanh Chương