(Baonghean) - Thời gian gần đây trên Internet, mạng xã hội rộ lên nhiều thông tin đi ngược lại với khuyến cáo của ngành y tế như nói không với việc tiêm vaccine, không chữa bệnh ung thư và nhiều thông tin chữa bệnh theo kiểu truyền miệng khác... gây hậu quả nghiêm trọng.

Tai họa khôn lường

Bà Nguyễn Thị L, 60 tuổi, ở phường Hưng Phúc (TP. Vinh) mới được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phát hiện bị suy thận mãn cấp giai đoạn 3. Nguyên nhân bệnh được xác định: Bà L vốn bị viêm khớp và thoát vị đĩa đệm; “có bệnh vái tứ phương”, cứ nghe truyền miệng, trên internet đăng tải ở đâu có “thầy hay, chữa giỏi” là tìm đến... Sau một thời gian dài chữa thuốc nam, thuốc bắc, bà L đã bị suy thận, vào viện trong tình trạng phù mặt, sưng nửa người trên và xuất huyết dưới da nhiều.

1501033471126.jpgNhiều người phải chạy thận ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An do tin vào các bài thuốc quảng cáo trên Internet. Ảnh: Thanh Sơn

Những trường hợp ngộ độc các loại thuốc Đông, Tây y do “nhiễu” thông tin chữa bệnh trên mạng internet phải vào điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã đến mức báo động. Thống kê sơ bộ, trong số 130 người đang chạy thận tại đây thì có gần 20 người là “nạn nhân” của “loạn” thông tin chữa bệnh thiếu kiểm chứng. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Khoa Nội Thận Tiết niệu Lọc máu cho biết: “Nhiều người suy thận mãn mức độ 4 phải chạy thận là do sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm bừa bãi; cũng như tin lời quảng cáo các thầy lang trên mạng để rồi lạm dụng thuốc Đông y, khi đến đây thì đã muộn”.

Theo Lương y Lương Công Chính - Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vinh chia sẻ: “Thuốc Đông y không giảm đau tức thì mà phải có thời gian thuốc ngấm. Đang tiếc nhiều người bệnh thấy chuyển biến chậm đã nghi ngờ, nghe lời truyền miệng, chạy từ thầy này sang thầy khác nên sinh ra ngộ độc. Cũng phải nói nhiều “lang vườn” lợi dụng tâm lý người bệnh đã quảng cáo sai sự thật trên internet bằng những con người có danh tính, địa chỉ (không thể kiểm chứng) để quảng cáo các phương pháp điều trị bằng rễ, lá rồi làm hỏng các cơ quan cơ thể”. 

Thông tin chữa bệnh trôi nổi trên mạng nguy hại khôn cùng, điều này thể hiện rất rõ ở những bệnh nhân đến khám, điều trị Trung tâm phòng chống da liễu tỉnh Nghệ An. Chị Nguyễn Thị Hoa (Hưng Nguyên) đưa con trai 6 tuổi đến trung tâm trong tình trạng phần da ở vai và lưng của cháu bị nhiều đốm đỏ sưng bóng, nhiễm trùng, đau nhức. Chị Hoa chia sẻ: Thấy con đau, lên mạng tìm thông tin thì biết cháu bị giời leo (bệnh zona), nên chữa theo cách “bác sĩ google” bày là đắp lá sung, lá khổ qua, hoặc đậu xanh... Hậu quả, bệnh không khỏi, ngày càng nặng hơn, thậm chí cháu bị giảm thị lực.

Tự ý dùng thuốc là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng số vụ dị ứng thuốc. Ảnh: Internet

Bác sĩ Huỳnh Phúc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống da liễu tỉnh Nghệ An kể: “Có nhiều chị bị viêm da tiếp xúc bội nhiễm đến đây điều trị. Khi được hỏi thì biết các chị ngứa ngáy, mẩn đỏ do dị ứng mỹ phẩm, rồi nhỏ to mách nhau trên facebook, zalo, mua thuốc ngoài da về bôi, xoa. Kết quả là dị ứng không khỏi mà da bị kích ứng viêm và dẫn đến bội nhiễm... Khi da có triệu chứng tổn thương (chưa xác định rõ nguyên nhân) người bệnh không nên tìm thông tin trên mạng, nghe lời truyền miệng, mua thuốc tự chữa trị, để rồi diễn tiến bệnh nặng đáng tiếc. Bởi mỗi bệnh nhân có cơ địa khác nhau nên điều trị khác nhau”.

Lành mạnh hóa thông tin

Có nhiều thông tin sức khỏe đang hiện hữu trên mạng gây “cười ra nước mắt”, như: Một bà mẹ trẻ làm nội trợ chẳng may đứt tay. Chị này lấy băng dán vết thương nhưng máu vẫn chảy. Chiều tối hôm đó, chị này ăn 2 miếng khoai tây rán, trùng hợp là vết thương cầm máu. Tối đó, chị này gửi câu chuyện của mình lên mạng xã hội và nó được chia sẻ rộng rãi và bỗng dưng trở thành một “bài học quý” về chữa bệnh.

Nguy hiểm hơn nữa là câu chuyện trẻ bị cảm sốt. Thông thường sau 7- 8 ngày trẻ bị sốt sẽ giảm và khỏi. Khi đến bác sĩ khám, điều trị, nhiệm vụ của bác sĩ là kiềm chế, không để sốt cảm cúm biến chứng nguy hiểm. Có bà mẹ không đưa trẻ đi khám ở bác sĩ mà nghe thông tin rồi tự chữa trị. Sau 7-8 ngày, trẻ sẽ tự khỏi và bà mẹ coi đây là nhờ những “thần dược” mà “bác sĩ Google” cung cấp... Hoặc là chuyện nhiều người vẫn tin rằng: Khi bị đau ruột thừa thì lấy lá liễu đắp bên hông, vo lá trầu không uống sẽ khỏi. Với cách điều trị này thì chắc chắn người bệnh sẽ được đưa thẳng đến... nhà tang lễ khi bị đau ruột thừa!.

Một thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng không những gây nguy hiểm cho cá nhân mà cả cộng đồng xã hội. Bác sĩ, thạc sĩ chuyên ngành về Ung thư Nguyễn Khánh Toàn – Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: Có trường hợp một chị kể câu chuyện có bệnh nhân nọ, bị ung thư, bệnh viện trả về. Về nhà bệnh nhân đó uống lá bồ công anh và sau 3 tháng thì tăng cân, khỏe mạnh bình thường, đi làm trở lại. Một thông tin vu vơ, không thể xác định của chị này đăng trên mạng đã thu hút hàng loạt sự theo dõi, chia sẻ của nhiều người.

Nguy hại hơn, thông tin này được chia sẻ tới những bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện, khiến bệnh nhân hoang mang, bỏ điều trị chính thống... Những thông tin về khám chữa bệnh, giữ gìn sức khỏe này hiện đang nhan nhản khắp các trang mạng cố tình “lập lờ đánh lận con đen” gây hiểu nhầm trong dư luận. Mới đây nhất phải kể đến thông tin “cấm gây mê tủy sống khi mổ đẻ” xuất hiện khắp các diễn đàn mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang. Tuy nhiên trên thực tế, Bộ Y tế khẳng định, chỉ áp dụng không gây mê tuỷ sống với các trường hợp sản phụ bệnh lý, còn đại đa số các trường hợp bà mẹ bình thường thì vẫn áp dụng phương pháp này.

Bác sĩ Hoàng Thương - Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe tỉnh Nghệ An nêu rõ: Minh chứng rõ nhất cho tác hại của tình trạng nhiễu thông tin sức khỏe trên internet là trào lưu nói không với việc tiêm vaccine. Đời sống phát triển, nhiều người tìm tòi thông tin sức khỏe thấy một số trường hợp tai biến khi tiêm (do nguyên nhân cá thể dị ứng, sốc phản vệ, bệnh tự thân) nên đã không tiêm cho con cháu. Trẻ không tiêm được sống trong môi trường khỏe mạnh (nhiều trẻ tiêm vaccine) nên họ tưởng không tiêm vaccine cũng chẳng sao. Năm 2014, dịch sởi quay lại và có tới hơn 100 trẻ tử vong. Lúc này người dân lại đổ xô đưa trẻ đi tiêm, tạo nên tình trạng “cháy” vaccine. Rất đau lòng khi thấy nhiều bệnh dịch sởi, ho gà, viêm não tưởng chừng như đã biến mất nay quay trở lại ở Việt Nam.

Ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng, Bộ Thông tin – Truyền thông: “Công tác thanh kiểm tra, xử lý những người tung thông tin thất thiệt, sai sự thật, có hại (trong đó có thông tin y tế) vẫn được các cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng, môi trường mạng tương đối tự do và khó kiểm soát, các đối tượng xấu sử dụng nhiều cách đối phó tinh vi. Điều đáng buồn là lâu nay những đối tượng lầm tin, hùa theo những thông tin sức khỏe sai lệch có cả cán bộ viên chức, những người có học vấn cao”.

Lành mạnh hóa thông tin y tế là điều cần thiết tuy nhiên nó đòi hỏi quá trình lâu dài với việc hoàn thiện hệ thống Luật với việc xử lý vi phạm nghiêm minh (lâu nay vẫn xử lý theo Nghị định 174/2013 của Chính phủ); thứ đến là xây dựng văn hóa ứng xử trên internet, người sử dụng có trách nhiệm với bản thân với cộng đồng bằng việc đưa nhiều thông tin đúng, tốt lấn át đi thông tin xấu. 

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN