(Baonghean) - Hỗ trợ đóng BHYT cho người dân thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện chính sách này, những năm qua, BHXH tỉnh Nghệ An đã chủ động, tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2017, trước một số khó khăn đặc thù, những nỗ lực của ngành BHXH tỉnh nhà rất đáng ghi nhận.
Kỳ Sơn là một trong những huyện vùng cao, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của tỉnh Nghệ An. Chủ động chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho việc cấp thẻ BHYT năm 2017, ngay từ cuối năm 2016, BHXH huyện Kỳ Sơn đã có văn bản tham mưu cho UBND huyện, chỉ đạo các xã rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng được hưởng hỗ trợ đóng BHYT.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Phó Giám đốc BHXH huyện, năm nay công tác cấp thẻ BHYT gặp một số khó khăn. Cụ thể, với các đối tượng thuộc thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, danh sách phê duyệt từ Trung ương ban hành muộn (đến ngày 28/4/2017, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020). Điều này có nghĩa là nếu chờ đợi danh sách ban hành thì chế độ chính sách BHYT dành cho các đối tượng nêu trên sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, từ đầu năm 2017, BHXH tỉnh chủ trương “đi trước một bước”, tham mưu và được UBND tỉnh đồng ý về việc cấp thẻ BHYT năm 2017 cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người dân đang sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở danh sách UBND tỉnh đã gửi Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg. Ngay khi nhận được chỉ đạo của BHXH tỉnh, trên cơ sở dữ liệu đã được chuẩn bị từ cuối năm 2016, BHXH huyện nhanh chóng triển khai cấp thẻ về tận tay người dân.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Phó Giám đốc BHXH huyện cho biết thêm, vướng mắc tiếp theo là trong các văn bản hướng dẫn các đối tượng được cấp thẻ thuộc nguồn ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng chỉ nêu khái niệm “vùng đặc biệt khó khăn”, phạm vi chung chung, không cụ thể. Vì vậy, xuất hiện vấn đề là có một số đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các thôn không phải là thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, xã khu vực III, và một số đối tượng là người dân đang sinh sống tại các thôn không phải là thôn đặc biệt khó khăn (thôn không có trong danh sách UBND tỉnh Nghệ An gửi Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 50/QĐ-TTg) nhưng thôn đó nằm trong xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Nguyên nhân này khiến các Sở, ngành liên quan chưa có cơ sở để cấp thẻ BHYT cho đối tượng này, đành phải tạm dừng để chờ chỉ thị.
Ông Nguyễn Bá Cường - Phó Trưởng phòng Sổ, thẻ, BHXH tỉnh cho biết, để “gỡ vướng”, BHXH tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc tỉnh có ý kiến về việc xác định đối tượng cấp thẻ BHYT theo thẩm quyền. Giải quyết vấn đề này, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc và BHXH Việt Nam.
Văn bản trả lời của Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế nêu rõ, việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về BHYT, trong đó điều kiện xác định tiêu chí là người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của các Bộ, ngày 10/5/2017, liên ngành BHXH tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 711/LN-SLĐTB&XH-BDT-BHXH về việc đề xuất phương án thực hiện chính sách BHYT năm 2017 do ngân sách nhà nước đóng.
Ngày 19/5/2017, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 3538/UBND-VX về việc tham mưu phương án thực hiện chính sách BHYT năm 2017 do NSNN đóng, theo đó, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đề xuất nguồn kinh phí để thực hiện cấp thẻ BHYT cho các đối tượng nêu trên. Ngay sau đó, BHXH tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn đơn vị cấp huyện thực hiện cấp thẻ BHYT cho người dân thuộc các đối tượng nêu trên. Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ các đối tượng nêu trên đã được cấp thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh.
Theo danh sách được phê duyệt kèm theo Quyết định 582, Nghệ An có 46 xã thuộc khu vực I; 112 xã, 282 thôn thuộc khu vực 2; 94 xã, 893 thôn thuộc khu vực III. Hiện, công tác cấp thẻ cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định 582 đã hoàn thành. |
Quy trình giải quyết vướng mắc của BHXH tỉnh Nghệ An được đánh giá là chủ động, tích cực và rốt ráo. Không chỉ đảm bảo cấp thẻ sớm nhất có thể cho người dân, BHXH tỉnh còn chỉ đạo hoàn trả lại số tiền mua thẻ BHYT hoặc chi phí khám, chữa bệnh trong khoảng thời gian người dân chưa được cấp thẻ BHYT theo diện được nhà nước hỗ trợ.
Tương Dương là một trong những huyện thực hiện công tác hoàn trả tốt. Ông Nguyễn Công Hoà - Giám đốc BHXH huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện có 148 bản nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quyết định 582, trong đó, có 22 bản với khoảng 6.000 người gặp vướng mắc bởi khái niệm “vùng đặc biệt khó khăn” trong Quyết định.
Nhờ chỉ đạo tháo gỡ kịp thời của BHXH tỉnh, BHXH huyện Tương Dương đã nhanh chóng hoàn thành công tác cấp thẻ cho các đối tượng này, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết thông tin hoàn trả cho người dân được biết.
“Việc hoàn trả rất đơn giản. Người dân chỉ cần mang BHYT đã mua trong khoảng thời gian chưa được cấp thẻ theo diện hỗ trợ của nhà nước, hoặc hoá đơn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, thuốc men trong phạm vi chi trả của BHYT đến trực tiếp trụ sở BHXH huyện sẽ được hoàn trả tiền mặt ngay. Thậm chí, ngay cả khi người dân làm mất biên lai, hoá đơn, nếu đến thông báo thì BHXH vẫn có thể tra cứu thông tin khám, chữa bệnh trên hệ thống liên thông để giải quyết. Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ, chúng tôi đã hoàn trả hơn 10 triệu đồng cho hàng chục người dân” - ông Nguyễn Công Hoà khẳng định./.
Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020: Thôn đặc biệt khó khăn là thôn có 1 trong 2 tiêu chí sau: (1) Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (2) Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên… Xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định theo ba khu vực: - Xã khu vực III là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xã khu vực II là xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định; xã khu vực I là các xã còn lại. - Xã khu vực III là xã có ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau: số thôn đặc biệt khó khăn còn từ 35% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên); tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên… - Xã khu vực II là xã có 1 trong 3 tiêu chí sau: tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên… - Xã khu vực I là các xã còn lại thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi không phải xã khu vực III và xã khu vực II. Ngoài ra, còn có thêm một số tiêu chí, xem thêm tại Quyết định 50/2016/QĐ-TTg. |
Phước Anh