Vì vậy, làm tốt công tác tư tưởng là tiền đề đảm bảo cho sự thành công trong lãnh đạo của Đảng; đồng thời, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Nhận thức sâu sắc vấn đề là vậy, nhưng để làm tốt công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay là một việc khó, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với tinh thần chủ động, trách nhiệm và sắc bén mới đáp ứng được yêu cầu, bởi thực tiễn đang đặt ra cho công tác tư tưởng nhiều khó khăn, thách thức:
Về bên ngoài: Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với cấp độ ngày càng quyết liệt với việc tập trung triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, các trang mạng xã hội để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, trong đó các thế lực thù địch tập trung:
- Phủ định giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Phủ nhận thành quả công cuộc đổi mới, chỉ nhìn vào những hạn chế mà không thấy những giá trị, những thành quả mà đất nước ta đã nỗ lực đạt được trong hơn 30 năm đổi mới.
- Trong thực tiễn phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, một số chủ trương, chính sách thường xuyên phải đổi mới, bổ sung, hoàn thiện, trong đó có một số chủ trương, chính sách còn sơ hở, bất cập, dễ xảy ra tiêu cực. Lợi dụng thực tế này, các thế lực thù địch tấn công hạ uy tín các cơ quan Nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền. Đặc biệt, thời gian gần đây lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, như vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, các vấn đề tranh chấp Biển Đông, ô nhiễm môi trường, thông qua các dự thảo luật... để kích động gây mất ổn định chính trị, xã hội.
- Âm mưu, thủ đoạn nhằm hạ bệ thần tượng; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ. Chúng tấn công vào đời tư của lãnh tụ, cá nhân lãnh đạo; xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ giữa các đồng chí lãnh đạo; xuyên tạc, bóp méo những quyết định của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các thời kỳ đó để hạ uy tín, phủ nhận bản chất của Đảng và Nhà nước ta.
Về bên trong: Tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, nhưng xã hội còn tồn tại những vấn đề tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân.
Đặc biệt, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến thoái hóa, biến chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân.
Tuy nhiều đối tượng đã bị kỷ luật nghiêm khắc và phải chịu sự trừng trị của pháp luật, nhưng ở mức độ nào đó đã làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Về thực tiễn công tác tư tưởng của Đảng: Công tác tư tưởng thời gian qua tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế, nhất là chưa thật nhạy bén, thiếu kịp thời trong nắm bắt thông tin, dự báo tình hình và định hướng dư luận xã hội.
Việc đấu tranh chống lại các quan điểm tư tưởng thù địch, sai trái thiếu đồng bộ và chưa thật sắc bén. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội chưa thật chủ động, sáng tạo; trình độ, năng lực của nhiều đồng chí chưa ngang tầm nhiệm vụ.
Những khó khăn, thách thức nêu trên đòi hỏi công tác tư tưởng phải không ngừng đổi mới, trong đó cần quan tâm các yêu cầu sau:
Thứ nhất: Xây dựng đội ngũ làm công tác tư tưởng của Đảng, mà nòng cốt là các đồng chí trong cấp ủy, báo cáo viên các cấp có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, thực sự tiên phong, gương mẫu trong công việc và lối sống, có uy tín trong cộng đồng.
Đây là yêu cầu hết sức quan trọng và cần thiết, là nhân tố quyết định sự thành bại của công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác tư tưởng như là hình mẫu lý tưởng của nhân dân, là hiện thân của Đảng, của chế độ, mọi hành động của họ đều được nhân dân soi xét, kiểm chứng trong thực tiễn, vì vậy, họ là những người gieo niềm tin và cũng có thể là nhân tố đánh mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Công tác tư tưởng bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân bằng lý lẽ, kinh nghiệm và bằng thực tiễn cuộc sống, những người làm công tác tư tưởng phải chú trọng giáo dục bằng nêu gương, thể hiện tính gương mẫu về nhân cách, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng; tinh thần trách nhiệm cao trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng của địa phương; nói đi đôi với làm, tốt nhất là thực hiện phương châm: nói ít, làm nhiều; vừa nói, vừa làm; nói được, làm được, để tạo sự tin cậy của nhân dân đối với Đảng, bởi “Một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.
Thứ hai: Chủ động, tích cực, nâng cao năng lực dự báo, nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội phục vụ sự lãnh đạo của cấp ủy. Dư luận xã hội là kênh thông tin hết sức quan trọng, nhiều nội dung phản ánh có tính thời sự, nhạy cảm và có tác động lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương, như: Thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức; công tác đền bù giải phóng mặt bằng; công tác đấu giá đất ở; bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách xã hội; tình hình tôn giáo, đất đai, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Từ đó, phải quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc ở các địa phương, nguyện vọng chính đáng của người dân, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Việc xem xét, xử lý kịp thời dư luận xã hội sẽ góp phần ổn định tình hình, tạo tiền đề và động lực cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền.
Thứ ba: Chủ động, nhạy bén, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương để cung cấp thông tin có định hướng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngày nay, sự bùng nổ thông tin làm cho các sự kiện, hiện tượng được lan truyền nhanh chóng, mọi người có thể tiếp cận, cập nhật thông tin từ nhiều nguồn, nhiều phương tiện khác nhau ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong đó, lẫn lộn những thông tin tốt - xấu, đúng - sai, nhiều thông tin xuyên tạc, vu khống mà các thế lực thù địch, những kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, thì việc tăng cường cung cấp thông tin có định hướng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân là lĩnh vực quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng hiện nay.
Yêu cầu đặt ra là phải xử lý và kịp thời cung cấp thông tin định hướng giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng bản chất vấn đề, các sự kiện quan tâm bằng các thông tin chuẩn xác, có sức thuyết phục, tránh việc phân tâm, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2018), là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình, cố gắng gìn giữ, phát huy những kết quả đã đạt được; nghiêm túc, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm, hạn chế; không ngừng đổi mới, sáng tạo, tu dưỡng, rèn luyện để công tác tư tưởng của Đảng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới./.