Song song với các nhiệm vụ trên, thì việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) của Đảng với việc chọn những khâu trọng tâm, khâu đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng cấp, từng địa phương, cơ quan đơn vị để giải quyết; từ đó góp phần củng cố tư tưởng, niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh những vấn đề tích cực, từ thực tiễn hoạt động, đại biểu của nhiều huyện, thành, thị ủy và Đảng bộ trực thuộc cũng thẳng thắn nêu nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác chính trị tư tưởng. Đồng chí Nguyễn Minh Hạnh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương, cho rằng, ở cơ sở việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng các cấp trong hệ thống Đảng đã có nhiều hiệu quả; tuy nhiên trong quần chúng nhân dân đang là vấn đề khó khăn.
Còn Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Thưởng nêu, công tác tư tưởng của Đảng vẫn còn thụ động, cấp dưới chờ cấp trên, cấp trên thì chưa kịp thời định hướng dư luận trước những vấn đề phức tạp phát sinh.
Ý kiến Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương Phan Đình Hà cho rằng việc định hướng dư luận, định hướng tuyên truyền ở cấp Trung ương và cấp tỉnh đối với cấp huyện, cấp cơ sở chưa ngang tầm nhiệm vụ; có tình trạng dưới “nóng”, trên “lạnh”, cấp cơ sở thì vào cuộc “sôi sùng sục”, cấp trên im ắng, không có định hướng kịp thời.
Nhiều đại biểu cũng khẳng định công tác chính trị tư tưởng trong giai đoạn hiện nay là vô cùng khó khăn, phức tạp; vì vậy cần nhận thức rõ, đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.
Song song với đó cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng gương mẫu, thực sự trăn trở, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Gắn với đó cần phát huy vai trò báo chí trong công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; đồng thời xây dựng mạng lưới đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái trên không gian mạng một cách hiệu quả hơn…
Phát biểu tại cuôc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cấp ủy cần nhận thúc đầy đủ, sâu sắc vai trò hết sức quan trọng của công tác chính trị tư tưởng trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, địa phương; đặc biệt là thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An trong những năm còn lại.
Khẳng định khó khăn và đầy thử thách đặt ra đối với công tác chính trị tư tưởng trong giai đoạn hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, cấp ủy các cấp và ngành Tuyên giáo cần nâng cao công tác học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng các cấp; việc triển khai thực hiện nghị quyết đi vào cuộc sống và thật sự hiệu quả khi nắm, thấm nhuần đầy đủ nội dung, tinh thần của nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cũng chỉ ra thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nếu không thông suốt về đường lối, nhiệm vụ; không phát triển đúng đắn về đường lối, nhiệm vụ một cách khoa học thì khó tạo được phát triển tích cực. Ngược lại, tư tưởng không thông suốt, thiếu niềm tin, thiếu quyết tâm, thiếu đổi mới, thiếu tiến công thì cũng không làm được.
Và công tác chính trị tư tưởng cần được tác động đến toàn diện, trong công tác cán bộ, từng đơn thư, từng dự án, từng công việc; bởi vậy đòi hỏi công tác này đòi hỏi phải trí tuệ, nhạy bén, sáng tạo và tiếp tục đổi mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trên cơ sở ý kiến tham gia thảo luận tại cuộc họp cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc, rút ra những bài học kinh nghiệm; gắn với nghiên cứu, xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác chính trị tư tưởng thời gian tới.