Không sử dụng "báo thức báo lại": Nhiều người có thói quen sử dụng nút "báo thức lại" và cố gắng ngủ thêm vài phút. Nhưng điều này có thể phản tác dụng. Đồng hồ báo thức làm tăng mức độ căng thẳng và khiến bạn thấy kích động khi phải nghe đi nghe lại nhiều lần. Một cách hiệu quả là để đồng hồ báo thức ở cách xa giường ngủ vì nếu muốn tắt báo thức, bạn phải ra khỏi giường và tỉnh dậy nhanh chóng. Ảnh: Independent. Không sử dụng điện thoại ngay khi vừa thức dậy: Kiểm tra điện thoại khi vẫn còn nằm trong chăn ấm là thói quen của nhiều người ngay khi vừa tỉnh giấc. Đừng làm điều đó. Theo Huffington Post, khi bạn bắt đầu ngày mới với những tin tức không tốt, email công việc áp lực, mức độ căng thẳng sẽ tăng lên ngay lập tức. Não bộ bắt đầu sản xuất hormone căng thẳng và cơ thể phản ứng, bị kích động, huyết áp tăng cao. Hãy rời khỏi giường ngay lập tức, tập thể dục nhẹ nhàng, dành thời gian tắm rửa, ăn sáng. Tốt nhất là để điện thoại tránh xa giường ngủ. Ảnh: Inc-asean. Đừng bao giờ bỏ bữa sáng: Theo Bustle, bắt đầu ngày mới với bữa sáng lành mạnh sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng, cải thiện mức độ tập trung. Đồng thời ăn sáng còn giúp bạn no, kiểm soát ăn quá nhiều thời gian sau đó, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Một bữa sáng lành mạnh nên kết hợp giữa tinh bột, chất xơ và protein lành mạnh. Ảnh: Brightside. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời: Để giúp bạn bắt đầu ngày mới với tâm trạng tích cực, bạn cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ánh sáng sẽ báo với não bộ rằng bây giờ là lúc cần thức dậy. Nó giúp điều chỉnh và giúp đồng hồ sinh học đi đúng hướng. Một nghiên cứu trên tạp chí PLOS One cho thấy ánh sáng mặt trời không chỉ tác động đến chu kỳ ngủ và thức của bạn và còn giúp chỉ số khối cơ thể thấp hơn. Các chuyên gia sức khỏe cũng khuyên bạn nên đi bộ nhẹ nhàng vào buổi sáng. Ảnh: Brightside. Nhai kẹo cao su: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nhai kẹo cao su tác động tích cực đến sự tỉnh táo. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ vào buổi sáng, hãy thử nhai kẹo cao su vì nó có hiệu quả trong việc cải thiện các chức năng liên quan đến trí nhớ của não bộ. Ảnh: Wmsmile. Phương pháp tắm 90 giây: Nếu có thói quen tắm nước ấm vào buổi sáng, bạn nên nghĩ lại. Thực tế, tắm nước ấm là cách bác sĩ khuyên mọi người nên làm khi khó ngủ. Vì vậy, để giảm mệt mỏi, buồn ngủ, bạn nên thực hiện phương pháp tắm 90 giây. Đó là: tắm dưới vòi nước lạnh (lạnh nhất có thể) trong khoảng 30 giây; trong 30 giây tiếp theo, tắm dưới vòi nước nóng nhất mà bạn có thể chịu được; sau đó, quay lại tắm vòi nước lạnh nhất trong 30 giây cuối cùng. Phương pháp này không chỉ giúp bạn tỉnh táo hoàn toàn mà còn cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe như giảm căng thẳng, cải thiện hệ miễn dịch. Ảnh: Researchdigest.