(Baonghean) -Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội mở và luôn trong trạng thái "khả dụng". Có nghĩa là tất cả mọi trào lưu, tư tưởng, thông tin mới đều được truyền đi nhanh chóng và rộng khắp. Như một thứ bệnh dịch theo chiều hướng hoặc tốt, hoặc xấu. Đó là bệnh dịch của thời đại số - thời đại thông tin.
Ngân hàng Trung ương châu Âu rò rỉ thông tin sang tận... Mỹ
Thứ Sáu ngày 17/10, trích đoạn trong các tài liệu tuyệt mật của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã xuất hiện trên trang điện tử của thời báo New York Times. Hiện ECB đang khẩn trương tiến hành cuộc điều tra làm rõ vụ việc.
Đây là một tin đáng lo ngại và phiền phức đối với ECB. Cụ thể, 1 phóng viên tờ New York Times đã bằng cách nào đó có được nội dung các bản báo cáo của ngân hàng trong khoảng từ tháng 5/2012 đến tháng 1/2013 - giai đoạn khủng hoảng cao trào của khu vực euro. Trang điện tử của New York Times mô tả chi tiết ECB đã cứu viện ngân hàng nhân dân Síp bằng khoản cho vay khẩn 9 tỷ euro như thế nào. Dựa vào nội dung các tài liệu mà phóng viên Landon Thomas Jr cung cấp, tờ báo đã phân tích sự bất đồng quan điểm trong nội bộ ECB về việc cứu viện ngân hàng nhân dân Síp.
Phát ngôn viên của ECB cho biết: "Sự việc này rất nghiêm trọng với chúng tôi và chúng tôi sẽ tính đến mọi tình huống có thể". Giai đoạn được đề cập đến trong các bản báo cáo bị rò rỉ trên truyền thông Mỹ là khoảng thời gian hết sức nhạy cảm đối với ECB và khu vực euro. Đồng tiền chung trong tình trạng nguy hiểm, khu vực euro bên bờ vực tan rã, nạn đầu cơ lên đến đỉnh điểm. Chính vào tháng 7/2012, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã tuyên bố làm "tất cả những gì có thể để cứu lấy đồng euro".
Hiển nhiên là ECB không muốn và cũng chẳng được lợi gì nếu những nội dung tranh luận nội bộ bị phơi bày rộng rãi. Nguồn "rò rỉ" thông tin chắc chắn đến từ nội bộ ngân hàng. Phải chăng chính là từ hội đồng thống đốc với thành viên là 18 thống đốc các ngân hàng trung ương của khu vực euro và 6 thành viên ban điều hành? Hay ở phạm vi rộng hơn, các nhân viên của ngân hàng tại Frankfurt? Cuộc điều tra sẽ làm sáng tỏ điều này.
Tại sao ECB lại phản ứng mạnh mẽ trước các nội dung báo cáo bị công khai như vậy? Đó là những bản báo cáo khoảng 30 trang, ghi lại chi tiết các cuộc thảo luận của hội đồng thống đốc diễn ra mỗi tháng 1 lần - nơi các quyết định mang tính chiến lược được đưa ra. Các thông tin cụ thể về ai can thiệp vào việc gì, bỏ phiếu như thế nào đều được ghi lại chân thực trong các báo cáo này. Khác với ở Anh hay Mỹ, ECB không có ý định công bố rộng rãi nội dung các tài liệu này, hoặc sớm nhất cũng phải sau 30 năm nữa. Tuy nhiên, ECB cũng đã quyết định bắt đầu từ năm tới, công bố những bản tóm tắt báo cáo có độ dài từ 1-2 trang, tất nhiên là vẫn đảm bảo tính ẩn danh các động thái tương tác.
Dù vậy đi chăng nữa, việc bị giới truyền thông bên kia Đại Tây Dương "qua mặt" chắc chắn khiến cho châu Âu một phen đau đầu. Dường như cảnh giác đề phòng chưa bao giờ là quá thừa, quá xa trong thời đại mà cuộc chiến an ninh truyền thống luôn phải đi kèm với an ninh phi truyền thống.
Đại dịch Ebola "bao trùm" đất nước cờ hoa
Ca nhiễm bệnh mới ở Mỹ đã được phát hiện ở 1 nữ y tá làm việc tại bệnh viện nơi bệnh nhân Ebola Thomas Eric Duncan đã được điều trị và tử vong. Cập nhập mới nhất về các bệnh nhân Ebola được phát hiện, đã và đang được điều trị cho thấy có 8 trường hợp được xác nhận nhiễm Ebola tại Mỹ:
Bác sỹ Kent Brantly, điều trị tại Bệnh viện Đại học Emory và đã xuất viện ngày 21/8.
Nhân viên y tế Nancy Writebol, điều trị tại Bệnh viện Đại học Emory và đã xuất viện ngày 19/8.
Thomas Eric Duncan, quốc tịch Liberia, điều trị tại Bệnh viện Y tế Tin lành Texas, đã tử vong ngày 8/10.
Amber Vinson, y tá tại Bệnh viện Tin lành Texas, đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Emory sau khi được chuyển đến từ Dallas ngày 15/10.
Nina Phạm, y tá tại bệnh viện Tin lành Texas, đang được điều trị tại Bệnh viện NIH ở Maryland sau khi được chuyển đến từ Dallas ngày 16/10.
Bác sỹ Rick Sacra, điều trị tại Trung tâm Y tế Nebraska và xuất viện ngày 25/9; nhập viện ở Worcester, Massachusetts ngày 4/10 vì virus đường hô hấp và đã xuất viện 1 ngày sau đó.
Ashoka Mukpo, nhân viên tự do của hãng tin NBC News, được xác nhận nhiễm bệnh tại Liberia ngày 2/10, đang điều trị tại Trung tâm Y tế Nebraska.
Bệnh nhân không được công bố danh tính, được chuyển đến Bệnh viện Đại học Emory ngày 9/9 và đang được điều trị tại đây.
Ngoài ra, có 1 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh là công dân Mỹ ở nước ngoài: Patrick Sawyer, làm việc tại Bộ Tài chính Liberia, tử vong ngày 25/9 tại Nigeria.
Hiện, các nhân viên y tế và những người đã tiếp xúc với Thomas Eric Duncan và Amber Vinson đang trong quá trình theo dõi, chưa có thêm trường hợp nào có triệu chứng đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc để cho Amber Vinson đáp chuyến bay 1 ngày sau khi cô thông báo thân nhiệt có tăng nhẹ bị chỉ trích là "sai lầm nghiêm trọng" của các cơ quan y tế Mỹ. Câu hỏi khác được đặt ra là: tại sao các nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh dù đã tuân thủ các quy tắc an toàn vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Phải chăng cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola đang vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan y tế? Những tuyên bố tự tin về nguy cơ dịch bùng phát hầu như không thể chỉ là để che giấu sự bất lực?
Tối thứ Năm, ngày 16/10, sau cuộc họp tại phòng Bầu dục, Tổng thống Obama đã ra lời kêu gọi các công dân Mỹ bình tĩnh trước tình hình bệnh dịch: "Tôi hiểu là mọi người đang lo sợ. Nhưng điều quan trọng bây giờ là phải tỉnh táo, nhìn nhận mọi việc". Thứ Sáu, ông cũng đề bạt Ron Klain làm người điều hành, phối hợp các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống Ebola. Không phải là người có chuyên môn về bệnh dịch nhưng Ron Klain được tin là sẽ làm tốt nhiệm vụ điều phối, chỉ đạo vượt qua được cơn khủng hoảng sức khoẻ và trên hết là về tâm lý mang tên Ebola tại Mỹ.
"Dịch bệnh" IS ngoài biên giới Trung Đông
1 nữ sinh 15 tuổi người Pháp đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập quân đoàn jihad, bất chấp sự kiểm soát của gia đình và các cơ quan an ninh.
Cô bé Soukaina, sống cùng bố mẹ tại Thành phố Bethoncourt, Doubs được cho là đã dành nhiều thời gian lên mạng, liên lạc với các mạng lưới jihad ở Trung Đông - những kẻ đã cổ vũ và hướng dẫn cho cô bé thực hiện cuộc đào tẩu. Tình báo Pháp đã cảnh báo cho bố mẹ Soukaina, ngay lập tức họ đã tịch thu giấy tờ tuỳ thân của cô con gái và yêu cầu áp dụng lệnh cấm xuất cảnh với Soukaina. Đồng thời, 1 nhà giáo dục trẻ vị thành niên cũng được mời đến gặp gỡ cô bé thường xuyên, với mục đích thay đổi dự định lệch lạc của mình. Soukaina tỏ ra nghe theo những lời khuyên bảo trên.
Tuy nhiên, thứ Sáu, ngày 10/10, thay vì đến trường học như đã nói với bố mẹ, Soukaina đã dùng giấy tờ căn cước giả để xuất cảnh. Thứ Bảy, ngày 11/10, các phóng viên Pháp đã bắt gặp cô bé ở Thổ Nhĩ Kỳ và báo tin cho gia đình cô. Công tố viên Therese Brunisso của Montbelliard cho biết, các cơ quan chức năng đang tìm cách phối hợp với cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ để xác nhận chính thức thông tin trên. Họ cũng đặt câu hỏi về những kẻ đồng loã đã tiếp tay cho Soukaina xuất cảnh, cô bé đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trên chuyến bay nào và dưới danh tính của ai.
Câu chuyện hy hữu này là hồi chuông báo động cho phương Tây về mức độ ảnh hưởng của IS ra ngoài biên giới vật lý của tổ chức này. Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, có khoảng 3.000 người hồi giáo ở phương Tây đến Syria để gia nhập các tổ chức khủng bố vũ trang. Nhiều người trong số đó khi về nước đã trở thành mầm mống khủng bố nguy hiểm. Các cựu chiến binh hồi giáo tại Syria bị nghi ngờ dính líu đến 1 vụ tấn công khủng bố thành công và ít nhất 6 vụ không thành công ở châu Âu và Australia năm vừa qua. Hiện thống kê cho thấy tỷ lệ nguy hiểm của các chiến binh IS người nước ngoài là 1 hoặc 2 trên 300 người, tương đối thấp. Tuy nhiên, với sự can thiệp ngày một sâu của phương Tây vào Trung Đông, khó mà lường trước được sức ảnh hưởng của IS đến các phần tử hồi giáo có xu hướng khủng bố tại các quốc gia này. Không thể phủ nhận IS nói riêng và các tổ chức khủng bố nói chung được lợi rất nhiều từ sự phát triển của mạng lưới truyền thông đại chúng trong việc truyền bá, lan toả sức ảnh hưởng của mình ra phạm vi toàn cầu.
Hiệu ứng Nobel đối với thị trường sách
Patrick Modiano và cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình đã trở thành hiện tượng trên thị trường sách tại Pháp sau khi cuốn "Để bạn không lạc đường trong khu phố" được trao Giải Nobel Văn học. Nhà xuất bản Gallimard đã ra thông báo tái bản cuốn tiểu thuyết này.
Danh sách Giải Nobel được tuyên bố ngày 9/10 và 1 tuần sau đó, Patrick Modiano đã "leo" lên vị trí đầu tiên bảng xếp hạng các cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất, vị trí thứ 2 bảng xếp hạng sách hàng tuần Ipsos. Ra mắt từ ngày 2/10, "Để bạn không lạc đường trong khu phố" với 60.000 bản in được đánh giá là một tựa sách thành công, đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng sách hàng tuần Ipsos. Tuy nhiên, hiệu ứng Nobel đã tạo cú hích rõ rệt với lượng tiêu thụ cuốn sách.
"Ăn theo" hiệu ứng Nobel, Nhà xuất bản Gallimard dự kiến in thêm 100.000 bản, với băng đô "Giải Nobel văn học". Quarto 2013 tập hợp 10 tiểu thuyết đồng tác giả cũng sẽ được tái bản 160.000 cuốn. Nhà xuất bản cuốn sách đang ra sức "lăng xê" lại các tác phẩm của Patrick Modiano khi liên tục tái bản các tựa sách trước đó, khổ sách bỏ túi. Các truyện thiếu nhi của ông như "Cuộc phiêu lưu của Choura", "Vị hôn thê của Choura" và "Catherine Chuẩn Xác" cũng được chào đón trở lại trên hàng đầu kệ sách. Riêng cuốn sách đạt Giải Nobe đã được dịch sang 40 thứ tiếng, Gallimard đang nỗ lực để đưa cuốn sách lên kệ tại thị trường nước ngoài trước khi lễ trao giải diễn ra tại Stockholm ngày 10/12.
"Để bạn không lạc đường trong khu phố" có thể duy trì sức nóng trên thị trường sách được bao lâu? Rất khó nói trước. Nhưng chắc chắn một điều, Giải thưởng Nobel danh giá và có sức nặng tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến cuốn sách trở thành tâm điểm chú ý, ít nhất là tại Pháp. Bởi suy cho cùng, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội mở và luôn trong trạng thái "khả dụng". Có nghĩa là tất cả mọi trào lưu, tư tưởng, thông tin mới đều được truyền đi nhanh chóng và rộng khắp. Như một thứ bệnh dịch theo chiều hướng hoặc tốt, hoặc xấu. Đó là bệnh dịch của thời đại số - thời đại thông tin.
Nấm Linh Chi
(Tổng hợp từ CNN, Le monde, Le figaro)