(Baonghean) - Sự thay đổi về văn hóa, lối sống của giới trẻ vùng cao đang trở thành một hiện tượng đáng quan tâm, nhất là đối với những người nghiên  cứu văn hóa. Tuy nhiên, đây là một sự biến đổi mang tính quy luật và là điều bình thường của xu thế hội nhập văn hóa, cũng là tác động của những thay đổi về kinh tế - xã hội.
 
Từ khi có chủ trương đổi mới và nhất là khi đất nước bước vào công cuộc CNH - HĐH tình hình kinh tế - xã hội thay đổi, không chỉ ở các địa phương miền xuôi mà cả các vùng miền núi, hải đảo, những vùng trước đây được cho là thâm sơn, cùng côc cũng đã có bước chuyển mình về kinh tế, xã hội, kéo theo đó là những thay đổi về văn hóa, lối sống của giới trẻ. Sự thay đổi về văn hóa, lối sống khi có sự thay đổi về kinh tế, xã hội là sẽ xảy ra với bất kỳ cộng đồng nào!  
images1075755_v_y_th_i_ki_u_m_i_trong_m_t_bu_i_di_n_v_n_ngh_.jpgVáy Thái kiểu mới trong một buổi diễn văn nghệ.
Trước kia, đến các làng bản vùng cao, khung cảnh thiếu nữ bận váy Thái, váy Mông ra suối gánh nước, giã gạo bên hiên nhà sàn, con trai Mông chơi con quay, thổi khèn là hình ảnh quen thuộc. Ngày nay chúng ta nhận thấy trang phục dân tộc chỉ còn xuất hiện trong những hội diễn văn nghệ. Trẻ em người dân tộc thiểu số giao tiếp hàng ngày bằng tiếng Kinh. Những thiếu nữ vùng cao không còn biết thêu thùa như thế hệ các cô, các chị của mình. Con trai miền núi ngày nay cũng chơi đàn guitar, đánh bóng chuyền, dùng điện thoại di động lướt mạng xã hội, thậm chí là lên mạng kén vợ.
Sơn nữ ở Con Cuông khá sành về điện thoại di động.
Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ những biến đổi theo chiều hướng tốt hơn của tình hình kinh tế - xã hội trong những năm qua. Khi kinh tế đất nước phát triển thì những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn cũng nhận được sự quan tâm của Nhà nước bằng những chương trình, những quyết sách cụ thể, trong đó có những chương trình phát triển văn hóa - xã hội, như quyết định cấp báo, tạp chí miễn phí của Chính phủ cho những vùng đặc biệt khó khăn. Chính chủ trương này đã góp phần xóa những “vùng trắng” về văn hóa. Sự phát triển của truyền hình cũng đã tác động mạnh mẽ đến lối sống của các bạn trẻ vùng cao, nhất là phong trào đặt tên con theo tên diễn viên phim truyền hình. Hiện tượng này không chỉ có ở các bạn trẻ miền núi Nghệ An, mà còn diễn ra tại rất nhiều các cộng đồng dân tộc thiểu số khác.
 
Sự phát triển của mạng điện thoại di động cùng với đó là dịch vụ cung cấp internet vô tuyến cũng là một yếu tố khiến văn hóa, lối sống của các bạn trẻ vùng cao ngày nay đang thay đổi mạnh mẽ. Dù ở nơi hẻo lánh, xa xôi nhất, thì chiếc điện thoại di động cũng không còn xa lạ nữa. Dù là ở cộng đồng nào, thì giới trẻ luôn là đối tượng sử dụng điện thoại di động nhiều nhất. Chiếc điện thoại có kết nối internet đã khiến giới trẻ vùng cao dễ dàng tiếp xúc với thế giới ảo đấy bí ẩn và mới mẻ. Mạng xã hội cũng đã khiến các bạn trẻ du nhập những lối sống mới, trong đó có phong trào tham gia mạng xã hội và chính mạng xã hội cũng đã trở thành “con đường” để những trai núi đi tìm vợ. 
 
Tuy nhiên, cũng có giới trẻ của một số cộng đồng thiểu số có vẻ điềm tĩnh hơn trong sự thay đổi về văn hóa lối sống, trong đó có những bạn trẻ người Mông. Những bản nhạc Mông, những bộ phim truyền hình, phim truyện tiếng Mông có nguồn gốc hải ngoại vẫn được các bản làng Mông ưa chuộng. Chữ Mông và hội ném pao vẫn hiện hữu trong đời sống văn hóa tinh thần của các bạn trẻ mà chưa cần đến sự vào cuộc bảo tồn, khôi phục của những người có trách nhiệm, có tâm huyết. Điều này cho thấy ý thức cao trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống của giới trẻ người dân tộc này.
 
Anh Lương Văn Thiết, công tác tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Cầu Giấy – Hà Nội) vốn là một người Thái cho rằng, sự thay đổi của giới trẻ vùng cao ngày nay về mặt bảo tồn văn hóa đó là một điều đáng ngại. Bởi họ đã “quên mất” nhiều thứ vốn là bản sắc của cộng đồng mình. Anh Thiết cho biết: “Tôi nghĩ, sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ ở vùng cao trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề lớn, một vấn đề cần sự quan tâm của cả xã hội, nhằm góp phần xây dựng đời sống lành mạnh trong vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh nhà. Lối sống của giới trẻ hiện nay theo hướng hiện đại hơn, sống nhanh và vội hơn, đặc biệt họ rất mẫn cảm với những công nghệ hiện đại như internet, với các trang mạng xã hội. Có một bộ phận không nhỏ giới trẻ quá đam mê với cuộc sống ảo ở trên các trang mạng xã hội, thì đấy cũng là một điều đáng ngại”.
 
Tuy nhiên, đối với Thạc sỹ trẻ Cao Thị Viễn, trú xóm Mường Ham (Châu Cường - Quỳ Hợp), sự thay đổi trong lối sống của các bạn trẻ vùng cao cũng là một điều bình thường. Chính sự thay đổi này đã khiến các bạn trẻ như chị trở nên năng động hơn. Hiện chị cũng đang dạy cho con trai học nói tiếng Kinh trước khi nói tiếng mẹ đẻ, mục đích sau này bé dễ dàng hơn khi đi học. Tuy vậy, chị Viễn cùng thừa nhận, chính cách này có thể khiến trẻ quên mất tiếng mẹ đẻ. Giới trẻ người thiểu số ngày nay không còn biết nhiều về phong tục, tập quán của cộng đồng mình là một thực tế. Chị Viễn cũng thật thà chia sẻ: “Bản thân mình cũng không biết tục cưới của người Thái thế nào, trong khi tục cưới của người Kinh thì lại rất rành!”.
 
Nhà báo Khúc Hồng Thiện, công tác tại Báo Nhân Dân cuối tuần sau một vài chuyến công tác tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn cũng có một số chia sẻ về các bạn trẻ vùng cao Nghệ An. Theo Khúc Hồng Thiện, nhìn chung các bạn trẻ vùng cao cũng đã có nhiều thay đổi trong lối sống theo xu thế chung của giới trẻ ở những địa phương khác. Tuy nhiên, có một điều mà những người “khách xa” mới có thể nhận thấy, đó là sự hồn hậu trong lối sống. Họ hiếu khách, ham học, sự thay đổi trong cách ăn mặc chỉ là hiện tượng bề ngoài. Điều quan trọng là trang phục dân tộc vẫn không bị chính giới trẻ chối bỏ và vẫn xuất hiện trong những nơi trang trọng. Ngay nay, các tiện nghi hiện đại đã du nhập vào cuộc sống của người vùng cao, nên các thiếu nữ Mông không thể mặc váy Mông ngồi xe máy, bởi rất bất tiện. Cũng theo nhà báo thì việc các cháu nhỏ đang trên ghế nhà trường sau này có xa rời văn hóa bản địa hay không còn nhờ vào cách của những người làm giáo dục. Những phương tiện nghe nhìn hiện đại, hay mạng xã hội đơn giản chỉ là những tiện ích hỗ trợ cuộc sống. Nếu các bạn trẻ được giáo dục tốt, sẽ không chịu tác động tiêu cực của những phương tiện này.
 
Còn đối với nhà báo Phạm Huy Thông, Thông tấn xã Việt Nam thì cho rằng, những hiện tượng thay đổi trong văn hóa lối sống của giới trẻ vùng cao mà báo Nghệ An đã phản ánh thể hiện tâm lý “thoát núi” của họ, để họ mở cửa hội nhập với văn minh công nghiệp duy lý của xã hội hiện đại, góp phần giúp cho quê hương mình, đồng bào mình vươn lên, giàu mạnh cả kinh tế và văn hóa. "Thoát núi" ở đây không phải là rời bỏ gốc gác, truyền thống dân tộc mình, mà là thoát khỏi cái hạn chế trói buộc của những cái cũ, không hợp thời và không đóng góp được gì cho sự tiến bộ của cộng đồng, dân tộc!
 
Bài, ảnh: Hữu Vi