Chuyện học trò xứ Nghệ đỗ Thủ khoa đầu vào hay đầu ra bậc đại học, vô địch cuộc thi “Đường lên đỉnh Olimpia” hay về Nhất ở một cuộc thi toàn quốc nào đó lâu nay có vẻ đã quá quen thuộc với mọi người. Vậy nên, khi Trương Thế Diệu, chàng trai 22 tuổi quê xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới (8/2019), được Nhà nước trao thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và sau đó được bình chọn “Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam”, lĩnh vực sản xuất (3/2020), thì ngay lập tức khiến mọi người vừa ngạc nhiên, vừa trầm trồ thán phục!
Ngạc nhiên là bởi học trò xứ Nghệ nức tiếng giỏi học, giỏi thi, học giỏi rồi làm thầy giỏi, chứ từ xưa tới nay thấy được mấy ông - đồ - trẻ ấy giỏi làm, giỏi nghề, rồi tay nghề giỏi, làm thợ giỏi như Trương Thế Diệu. Thú vị nữa là đất học Quỳnh Lưu bao đời khoa bảng, làng tiến sỹ, họ tiến sỹ, gia đình tiến sỹ nay lần đầu tiên của cả nước, cả tỉnh, cả huyện lại “đẻ” ra một chàng trai tay nghề giỏi, vươn tầm thế giới, sánh ngang cả với thợ giỏi của các nước công nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thú vị là qua câu chuyện của Trương Thế Diệu, mới biết hóa ra chàng trai này là người dám chấp nhận chuyện không cố vào bằng được đại học, mà sẵn sàng đi học trường nghề, để làm nghề, nhưng nhất định phải học nghề giỏi, để làm thợ giỏi. Từ chỗ chăm học, học giỏi, Diệu được chọn vào học nghề ở một doanh nghiệp nước ngoài, vượt qua các vòng thi chọn trong nước rồi vươn ra thế giới. Bằng chứng sinh động của chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh là ở đây, ở Trương Thế Diệu và nhiều người khác, chứ còn đâu nữa?
Câu chuyện đi học nghề mà không theo bằng được đại học, học ngày, học đêm suốt cả tuần, trừ mỗi ngày Chủ nhật suốt cả năm ròng, rồi đạt thành tích vang dội trên trường quốc tế của Trương Thế Diệu được nhiều người biết và trở thành “nguồn cảm hứng” phấn đấu, vươn lên của nhiều người trong suốt thời gian qua.
Có một điều cứ làm tôi muốn nói, muốn nhắc lại, đó là Diệu học giỏi và thi nghề phay CNC (Computer Numberical Control). Trong một lần được hỏi, nghề phay CNC là gì, Diệu trả lời giản dị: Là làm việc với máy phay điều khiển số, lập trình trên máy tính trước, sau đó lên máy gia công sản phẩm! Để nói rằng, thợ giỏi, tay nghề giỏi, bàn tay vàng của thế hệ những người như Trương Thế Diệu là thời của công nghiệp 4.0, của công nghệ mới, của kỹ thuật số và là thời của quá trình làm ra những sản phẩm mang nhiều hàm lượng của khoa học - công nghệ, mà nếu chịu khó tham khảo sẽ thấy nghề phay CNC mà Diệu đang học và thi nói trên sẽ sản xuất ra những sản phẩm phục vụ công nghiệp vũ trụ và vô vàn ngành công nghiệp quan trọng khác!
Cũng trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về công việc sau này, Trương Thế Diệu có nói đến câu chuyện sẽ sẵn sàng “truyền cảm hứng” cho những người đến sau, giúp đỡ những người có đam mê với nghề, làm quen với các kỹ năng mới, kinh nghiệm để vượt qua các vòng thi khắc nghiệt tại Kỳ thi tay nghề thế giới vào năm 2021. Diệu cũng mong mỏi sau này sẽ tiếp tục được làm việc trong các doanh nghiệp có đủ trang thiết bị hiện đại, với công nghệ tiên tiến để phát huy mọi năng lực tìm tòi và sáng tạo của bản thân, nghĩa là đi trọn con đường của một người thợ, một người thợ giỏi, làm ra những sản phẩm của thời điều khiển số, chuyển đổi số đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Bởi ngay từ đầu, Trương Thế Diệu đã chọn con đường ít người chọn là học nghề giỏi, để làm nghề giỏi. Với Diệu, với nghề phay CNC, làm thợ, làm thầy bây giờ là một, muốn làm thầy giỏi để truyền lửa cho người khác, trước hết mình phải là một người thợ giỏi, vừa có kiến thức của một người thầy, vừa có kỹ năng của một người thợ. Và Diệu đã thành công, khi biết vượt lên mọi gian khó để đi trọn đam mê cháy bỏng học để làm nghề, để làm người thợ giỏi thời @...