Đây là chiếc đĩa được giới cổ vật đánh giá là độc nhất vô nhị ít nhất ở Nghệ An tính đến thời điểm hiện nay.
Nói đến độ quý của cổ vật, giới chơi đồ cổ thường truyền tụng câu: “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”. Nghĩa là món đồ trước tiên phải có hình dáng đẹp, rồi đến nước men, độ lành lặn của món đồ, tuổi được xếp sau cùng miễn là đủ 100 tuổi trở lên. Tuy nhiên, còn có 2 yếu tố nữa được xét đến, đó là “thân phận” của món đồ và sự độc lạ. Nếu món đồ của vua hay chúa dùng thì rất quý hiếm. Sự độc lạ là món đồ đó phải rất độc đáo, hay chỉ độc nhất mà thôi, không có chiếc thứ 2.
Trở lại chiếc đĩa cổ đời nhà Thanh thuộc dòng đĩa vẽ “Thạch trúc” trôn đĩa (đáy đĩa) có vẽ hình con cá chép, nếu như trôn đĩa không vẽ hình con cá chép, thì chiếc đĩa này cũng rất bình thường như hàng chục vạn chiếc đĩa vẽ "Thạch trúc” khác thuộc dạng “đĩa phố” (thông dụng) thời xưa các gia đình có mức sống tương đối khá ở nước ta sử dụng. Loại đĩa này được các lò gốm ở Trung Hoa sản xuất vào thế kỷ 19 trở về trước, nước men và thai cốt rất tốt. Nhờ chất đất và trình độ sản xuất hơn hẳn, nên người dân Việt Nam thường đặt mua loại đĩa này ở Trung Quốc. Còn triều đình nhà Nguyễn thì đặt mua các loại đồ gốm sứ cao cấp có men chàm, nét vẽ tinh xảo hơn, thường được gọi là đồ “ký kiểu”.
Thông thường, chiếc đĩa thuộc dòng “Thạch trúc” trôn đĩa thường để trống, hoặc có viết chữ nho gọi là hiệu đề của lò gốm sản xuất ra chiếc đĩa đó. Tuy nhiên, chiếc đĩa mà nhà sưu tập ở TP Vinh đang sở hữu, lại vẽ hình một con cá chép. Không những trên dòng đĩa “Thạch trúc” không có, mà trên tất cả các đĩa cổ thuộc các dòng và thế kỷ khác cũng không có.
Lý giải vì sao chiếc đĩa này lại được một thợ gốm thời xa xưa không viết hiệu đề hoặc để trống, mà lại vẽ một con cá chép, nhiều nhà sưu tập cổ vật lâu năm lý giải thật thú vị.
Nhà sưu tập đồ cổ Đặng Hùng ở phường Trường Thi - TP. Thanh Hóa nhận xét: “Có thể đây là một phút ngẫu hứng của người thợ gốm, tùy hứng vẽ lên trôn đĩa hình con cá chép. Hoặc có thể trong quá trình vẽ hàng loạt chiếc đĩa, còn sót lại chút men mực, nên người thợ gốm tiếc chút men mực đó rồi vẽ lên trôn đĩa hình con cá chép, chính vì vậy mà tạo nên sự độc lạ!".
"Con cá chép đang quẫy đuôi ăn rong, còn thể hiện ước nguyện về một cuộc sống no đủ của người thợ gốm" - Nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Đức Vượng ở huyện Hưng Nguyên cho biết thêm.
Còn ông Đào Tam Tỉnh - Phó chủ tịch hội cổ vật sông Lam thì cho rằng: “Ngoài sự ngẫu hững của người nghệ nhân vẽ lên trôn đĩa, có thể do xuất xứ dòng họ, gia đình từ nghề chài lưới có hiệu lò gốm riêng. Trôn đĩa cổ thường ghi: hiệu lò, ký hiệu nghệ nhân, niên đại…hay có sự kiện nào đấy. Như chiếc đĩa này chẳng hạn, có thể làm vào ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Táo về trời, nói chung rất độc đáo”.
“Có thể người nghệ nhân làm ra chiếc đĩa này vào đúng ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Táo về trời, nên ngẫu hứng vẽ lên trôn đĩa hình con cá chép…”.
Nguồn gốc sưu tập được chiếc đĩa này cũng rất tình cờ, năm 2020, một người sưu tập đồ cổ ở xã Trung Sơn - Đô Lương mua lại của chị bán đồng nát một loạt đĩa cổ. Giá mỗi chiếc đĩa chỉ vài chục ngàn đồng. Trong lúc đánh chùi đĩa, anh vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện trôn của một chiếc đĩa có hình con cá chép. Mặt đĩa hình cá chép thì anh thấy rất nhiểu rồi, nhưng trôn đĩa hình cá chép thì bây giờ anh mới gặp. Bởi dòng đĩa này anh đã sưu tầm hàng chục ngàn chiếc.
Thấy vậy, người này liền đăng lên mạng Internet. Nhiều người chơi đồ cổ từ Bắc đến Nam đã trầm trồ sự độc đáo này, bởi họ cũng đã từng thu mua dòng đĩa này hàng chục năm nay với hàng vạn chiếc đĩa, duy nhất chỉ chiếc đĩa này bây giờ mới thấy.