(Baonghean) - Ngoài những nghề truyền thống, hiện nay, vẫn tồn tại nhiều nghề đi liền với nhu cầu phát triển của xã hội; Không có trường lớp nào đào tạo mà chỉ thuần túy dựa trên thực tế công việc yêu cầu như nghề thợ dán giấy tường…

Giấy dán tường được nhiều người dân lựa chọn để thay thế sơn tường, gạch lát vốn đã nhàm chán và bất tiện trong quá trình thi công. Sự xuất hiện của loại “vật liệu xây dựng” này đã thật sự mang lại cho những bức tường sự sống động và đa chiều hơn, tạo điểm nhấn kết cấu trang trí nội thất của ngôi nhà. Theo đó, nghề dán giấy tường cũng “ăn nên, làm ra”, được nhiều bạn trẻ lựa chọn, mang lại thu nhập đủ nuôi sống bản thân, gia đình và thậm chí, tạo dựng được cơ ngơi ổn định. 
images1128453_ng__xu_n_long__b_n_ph_i__dang_hu_ng_d_n_nh_n_vi_n_m_i.jpgNgô Xuân Long (bên phải) hướng dẫn cho nhân viên mới.
 
Tôi gặp Ngô Xuân Long tại trụ sở công ty (75 Đào Tấn - TP.Vinh) khi anh đang miệt mài truyền nghề cho cậu nhân viên mới học việc. Long kể chuyện mình, với muôn nỗi vất vả ngày đầu chập chững vào nghề. Đó là năm 2008, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Long cùng chúng bạn đi Hà Nội chơi, đến nhà người quen, Long tình cờ gặp một bác thợ đang cần mẫn bôi keo, dán một thứ giấy màu lên tường. Bức tường bạc màu sơn trong chốc lát rạng rỡ hẳn lên.
 
Tò mò hỏi ra mới biết, loại giấy đó gọi là giấy dán tường, và bác thợ đang tiến hành những công đoạn cuối cùng để làm đẹp cho ngôi nhà. “Mấy ngày sau đó, mình như bị thôi miên. Mình xuất thân là con nhà nông, chưa bao giờ biết đến cái nghề sử dụng, loại vật liệu đẹp đẽ này. Thế là say sưa tìm hiểu, học mót nghề, thậm chí còn xin bác thợ cho dán thử một tấm, còn được khen là khéo tay, dán đẹp. Đến giờ không biết là mình chọn nghề, hay nghề chọn mình nữa” - Ngô Xuân Long tâm sự. 
 
Từ ngày đầu bỡ ngỡ ấy, đến nay đã tròn 6 năm. Không có trường lớp nào đào tạo, những người thợ dán tường như Long phải tự mày mò học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, thậm chí, những bài học quý giá đến từ bao lần thất bại. Nhiều lần, Long phải bỏ tiền túi đền giấy dán cho gia chủ bởi tấm dán lên bị xô lệch, cong vênh, hoặc không mềm mại, các mép giấy chưa kín… Long chia sẻ, nghề nhìn nhàn, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, hơn cả là lòng nhẫn nại. Dán những bức tường lớn, người thợ có khi phải đứng làm việc cả tháng trời. Chỉ cần một chút vội vàng, sốt ruột có thể làm hỏng ngay lớp dán, làm mất dáng của tấm giấy và tróc lở bức tường, phải làm lại từ đầu. Như vậy, vừa mất thời gian, vừa mất uy tín với khách hàng, tuổi thọ của tấm dán cũng giảm độ bền. 
 
Nói đoạn, Long vừa thoăn thoắt bày ra nào bai, lăn, dao rọc, thước kẻ, con lô…, vừa chỉ dạy cho thợ mới học việc, vừa để cho tôi mục sở thị các công đoạn phức tạp của việc dán tường. Theo đó, thì để có thành phẩm đẹp, thợ dán phải nhuần nhuyễn nhiều bước: xử lý bề mặt tường sạch, khô, phẳng; lấy số đo tấm giấy, chi li tính cả những góc bo, kẽ tường, vật cản…; tính toán hoa văn hài hòa với bức tường; pha keo dán theo tỷ lệ và kỹ thuật nhất định; lăn keo lên giấy và lên tường; tiến hành thi công và chỉnh sửa các góc, cạnh sao cho hài hòa… “Đó là kể tên các bước, còn thực tế làm thì nhiều rắc rối phát sinh lắm. Ví dụ như việc căn chỉnh hoa văn. Có nhiều gia chủ kiêng số lẻ, nên bọn mình phải tính toán sao cho “đi” đến hết bức tường là hoa văn phải vừa chẵn. Hoặc có không gian rộng, chỗ này cần ngang giấy, chỗ kia cần dọc giấy… Chưa kể đến việc pha keo, cũng tùy thực tế thi công mà có tỷ lệ pha tương ứng. Thợ phải tích lũy kinh nghiệm từ thực tế mới sống với nghề này được.”- Ngô Xuân Long giải thích thêm.
 
Từ thâm niên hành nghề, Ngô Xuân Long nay đã thành lập công ty riêng, chững chạc trong vai trò quản lý hơn 10 công nhân, nhận thi công nhiều công trình lớn trong thành phố như Khách Sạn Mường Thanh Sông Lam, Cung Lễ hội, Tòa nhà Dầu Khí… Để bắt kịp xu thế, Ngô Xuân Long thường xuyên tìm kiếm các nguồn hàng đặc sắc, mẫu mã và chất lượng được cải tiến, lõi giấy được làm bằng bột gỗ cao cấp chống thấm, chống bong rách bởi tác động của thời tiết, mặt ngoài của giấy được phủ một lớp nhựa classic rất thuận tiện cho việc vệ sinh bề mặt và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Thông thường, vòng đời của một lần dán khoảng 8 đến 10 năm tùy thuộc vào chủng loại mà khách hàng lựa chọn, giá cả cũng dao động từ 120.000đồng đến 200.000 đồng/m2 trọn gói. Ngô Xuân Long chia sẻ, nhiều người vẫn xem nghề dán giấy tường như nghề… giỡn chơi, không tồn tại được lâu bền và thường khuyên con, em mình không nên theo nghề này. Thế nhưng thực tế, nghề luôn đãi người có tâm, mức lương cho thợ giỏi hiện nay trung bình khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, chưa kể phụ cấp tăng ca, thêm giờ ngày lễ, tết… 
 
Xuất phát điểm là người thợ dán tường, Ngô Xuân Long đã năng động bám sát thị trường và nhạy bén bắt kịp các xu thế mới. Trước thực tế nhiều công ty, cơ sở thi công dán giấy tường ngày càng tăng, sức cạnh tranh cao, ông chủ trẻ Ngô Xuân Long luôn thường xuyên cập nhật các công nghệ, vật tư xây dựng mới để đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là vào dịp cuối năm, khi mà nhu cầu trang trí, xây mới nhà cửa tăng lên. Hiện nay, Long đang kết hợp với các kiến trúc sư, các chuyên gia về phong thủy mở rộng thị trường thi công, nhận các công trình ở các tỉnh bạn như Hà Tĩnh, Quảng Bình… 
 
Nhìn Long tận tình chỉ việc cho thợ mới, ngắm đôi bàn tay thô ráp nhưng khéo léo, nhẹ nhàng đo, cắt những tấm giấy hoa văn, mới thấy, làm nghề gì cũng cần đặt cả tấm lòng mình vào trong đó. Không cứ gì nghề sang, nghề “xịn”, nhạy bén cùng sự đổi thay của đời sống xã hội, các bạn trẻ vẫn có thể tìm được cho mình những nghề nghiệp mưu sinh chân chính và bền vững, mà Ngô Xuân Long là bài học điển hình. 
 
Phước Anh