bna_tiem_hoang7318317_232020.jpgXã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) phải thuê đội ngũ thú y để tiêm phòng dịch cúm gia cầm A/H5N6 trong thời gian qua. ảnh: Xuân Hoàng

Xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu là địa phương xẩy ra ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên trên địa bàn Nghệ An trong năm 2020. Sau khi xảy ra ổ dịch, nhiệm vụ bắt buộc đối với địa phương là tiêu hủy số gia cầm bị nhiễm dịch, sau đó là triển khai các giải pháp phòng dịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, địa phương gặp không ít khó khăn. Chủ tịch xã Quỳnh Hồng, ông Hồ Nghĩa Đường cho biết: Xã phải thuê 1 người có chuyên môn thú y, trước đây phụ trách lĩnh vực thú y của địa phương để triển khai công tác tiêm phòng. Trong quá trình thực hiện, xã huy động thêm lực lượng hỗ trợ việc nhốt bắt gia cầm.

Tuy nhiên, ông Đường cho rằng, địa phương có lúc sẽ bị động, bởi những người có chuyên môn kỹ thuật thú y nếu họ đi làm ăn xa thì rất khó khi xảy ra dịch bệnh đột xuất.

Trong đợt tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân này, các địa phương phải thuê đội ngũ thú y để thực hiện. Ảnh: Xuân Hoàng

Chủ tịch xã Diễn Thái – ông Nguyễn Văn Trọng cho hay: Xã giao cho cán bộ phụ trách nông nghiệp kiêm lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Vì những người làm công tác thú y của xã đã nghỉ, nay tuổi cao, sức yếu, không đủ sức khỏe để đi tiêm phòng nên đợt tiêm phòng vụ xuân này, xã đã có kế hoạch thuê 2 người có chuyên môn thú y ngoài địa phương để tổ chức tiêm phòng kịp thời.

“Không có cán bộ phụ trách chăn nuôi, thú y, địa phương thực sự thiếu tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nếu như những người có chuyên môn thú y họ đi làm ăn xa, hoặc vì lý do nào đó, họ không nhận làm công cho xã thì địa phương sẽ lúng túng”.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND xã Diễn Thái

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Phòng Nông nghiệp đang tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã giao công chức nông nghiệp xã phụ trách mảng chăn nuôi, thú y. Theo đó, hiện nay các xã đang rà soát, giao cán bộ nông nghiệp phụ trách ngành chăn nuôi, thú y thay cho đội ngũ cán bộ thú y trước. Đối với công tác tiêm phòng vụ xuân tới đây, các xã phải thuê đội ngũ thú y trên địa bàn xã thực hiện.
Đội ngũ thú y cấp xã có vai trò trong công tác phát hiện, xử lý mỗi khi trên địa bàn xã xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước băn khoăn, lúng túng của các địa phương, do thiếu thú y cơ sở, ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, thú y cấp xã rõ ràng có vai trò trong công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi: Theo dõi, báo dịch tại cơ sở cho chính quyền địa phương, từ đó cơ quan thú y cấp trên mới nắm được tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc kịp thời tại cơ sở. Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước, cấp xã không có cán bộ thú y, do đó giải pháp tối ưu trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại cơ sở, là các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo chính quyền cấp xã rà soát đội ngũ chuyên trách cấp xã để giao kiêm nhiệm chức năng theo dõi lĩnh vực chăn nuôi, thú y.

Hàng năm Sở Nông nghiệp  và PTNT theo dõi  hoạt động của đội ngũ cán bộ kiêm phụ trách chăn nuôi, thú y cấp xã, nếu không đáp ứng được chuyên môn thì Sở sẽ tổ chức tập huấn chuyên môn để họ nắm bắt và theo dõi được sát sao hơn. Đối với công tác phòng, chống dịch đột xuất, hoặc tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch hàng năm, các địa phương phải có trách nhiệm thuê, hoặc hợp đồng với đội ngũ những người có chuyên môn về thú y trên địa bàn xã để thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT