Dầu thô suy yếu cùng với sự kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc trong quý II là áp lực khiến giá vàng đi xuống.
 
Báo cáo của bộ Thương mại Mỹ cho thấy tăng trưởng trong quý I/2015 chỉ đạt mức 0,2%, thể hiện sự đình trệ của khu vực thương mại và kinh doanh. Tuy nhiên, Uỷ ban thị trường mở (FOMC) trong cuộc họp của Cục dự trữ liên bang (FED) cho biết sự suy yếu này chỉ là tạm thời và tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong quý II.
 
Ngoài ra, vấn đề nợ của Hy Lạp đang dần sáng sủa hơn khi lợi suất trái phiếu của nước này đã giảm mạnh từ mức cao của tuần trước. Song song đó, giá dầu thô đang xuống mức thấp... đã tạo áp lực giảm giá lên vàng.
 
images1160488_vang.jpg
Giá vàng đi xuống sáng nay. Ảnh: Lệ Chi.
 
Chốt ngày 30/4, mỗi ounce vàng giao tháng Sáu mất gần 8 USD so với phiên liền trước, xuống 1.206 USD. Trong khi đó, giá giao ngay cũng giảm 7 USD, về sát 1.205 USD.
 
Bước sang giờ giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, thị trường tiếp tục đi xuống. Lúc 11h30, giờ Hà Nội, giá dao động quanh vùng 1.202 USD, thấp hơn lúc mở cửa 3 USD.
 
Nếu căn cứ theo tỷ giá của các ngân hàng, mỗi lượng vàng quốc tế quy đổi hiện tương đương với 31,34 triệu đồng (chưa gồm các loại chi phí vận chuyển, dập đúc, lãi vay....). Tính từ đầu tháng đến nay, mỗi ounce vàng gần như đứng yến, nhưng đắt hơn khoảng 20 USD so với đầu năm.
 
Trong nước, vàng miếng SJC tại Tập đoàn Doji lúc 12h cũng có giá mua và bán lần lượt ở 35,10 -35,20 triệu đồng. Vàng miếng tại PNJ có giá tương tự. So với hôm qua, giá giảm nhẹ nhưng so với trước khi nghỉ lễ, chiều bán tăng 140.000 đồng và chiều mua có thêm 70.000 đồng. Biên độ giãn rộng 100.000 đồng.
 
Riêng tỷ giá trong ngân hàng vẫn ổn định suốt cả tuần qua. Theo đó, Vietcombank niêm yết mỗi USD quanh 21.570-21.630 đồng. Các ngân hàng khác có giá tương tự.
 
Theo Hà Nội mới