Bộ GD-ĐT đang xây dựng, lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017. Đáng chú ý nhất trong dự thảo là sự điều chỉnh phương án thi theo 5 bài gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp của các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Việc thi theo hình thức mới với nhiều môn học, trong đó có Toán và Lịch sử được ra theo hình thức thi trắc nghiệm khi chỉ có gần 10 tháng nữa diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia đã khiến dư luận bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.
Xung quanh việc môn Lịch sử có thể được thi theo hình thức trắc nghiệm, phóng viên phỏng vấn PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam.
PV: Dự thảo phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ GD-ĐT công bố có nhiều điểm mới như nhiều môn học sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó có môn Lịch sử. Là người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử lâu năm, ý kiến của PGS về sự thay đổi này như thế nào?
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều học sinh chán học môn Lịch sử, trong đó có việc sách giáo khoa có quá nhiều chi tiết, sự kiện, ngày tháng.
Dự thảo phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ GD-ĐT đưa ra có đề cập đến việc môn Lịch sử sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm với mục đích là để học sinh nhớ sự kiện. Tuy nhiên, có trường hợp trong đề thi môn Lịch sử, việc ra đề lại đưa sai phương án. Ví dụ như có 4 phương án A, B, C, D yêu cầu thí sinh tích vào đáp án đúng thì trong đề thi lại có đến 2 phương án sai.
Như vậy, cách thức thi trắc nghiệm có thể giúp học sinh nhớ sự kiện nhưng lại không phát huy được trí tuệ, khả năng lập luận của các em. Thậm chí có thể dẫn tới tình trạng học sinh hiểu sai lịch sử. Điều này đã đi ngược lại với phương hướng đào tạo và phát huy năng lực của học sinh.
Học sinh học lịch sử không chỉ là tìm hiểu về các vấn đề, sự kiện trong quá khứ mà còn có sự liên hệ với hiện tại và có thể vận dụng trong thực tiễn cuộc sống. Nếu thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm thì yếu tố này sẽ bị loại trừ và chúng ta không phát huy hết được khả năng học tập của học sinh.
Chưa hết, nếu trong đề thi môn khoa học xã hội có 20 câu hỏi về môn Lịch sử, 20 câu hỏi về môn Địa lý và 20 câu hỏi Giáo dục công dân thì học sinh rất khó làm bài để trình bày theo khả năng phát huy năng lực.
Chỉ còn khoảng 10 tháng nữa là diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia, tôi lo ngại rằng, giáo viên và học sinh khó có thể chuẩn bị kịp cho việc giảng dạy, học tập theo hình thức thi trắc nghiệm.
Nếu ra đề thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm thì chúng ta phải có thời gian để đội ngũ làm đề thi chuẩn bị và nghiên cứu kỹ sao cho phải kiểm tra được các kỹ năng, năng lực của học sinh. Còn chỉ khoảng 10 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2017 thì tôi cũng e ngại chúng ta không kịp ra đề theo hình thức trắc nghiệm nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí đề ra.
Không thể bê nguyên hình thức thi cử của nước khác vào Việt Nam
PV: Bộ GD-ĐT và một số cơ quan đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục về việc có cơ sở để ra đề thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm. Một số ý kiến cho rằng, đề thi có thể lồng ghép giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm theo tỷ lệ 40% bài thi trắc nghiệm và 60% ra theo hình thức tự luận. Quan điểm của PGS như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Nếu đề thi môn Lịch sử có sự kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm thì quan điểm của tôi là chỉ 1/3 đề thi ra theo hình thức trắc nghiệm, còn lại 2/3 bài thi là ra theo hình tức tự luận.
PV: Thực tế hình thức thi trắc nghiệm môn Lịch sử đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và có hiệu quả tốt. Vậy tại sao chúng ta không học hỏi để áp dụng hình thức này, thưa ông?
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Mỗi một quốc gia đều có lịch sử, nền giáo dục và điều kiện kinh tế khác nhau nên không thể áp dụng hình thức của nước nào đó để áp dụng vào Việt Nam. Chúng ta chỉ nên học hỏi những bản sắc tinh hoa điều gì đã được khẳng định là tiến bộ nhất của các nước chứ không thể bê nguyên mô hình, áp dụng một cách máy móc hình thức thi cử của các nước.
PV: Theo ý kiến của PGS, việc đổi mới giảng dạy, thi cử môn Lịch sử nên theo hướng nào?
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Đề thi môn Lịch sử của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 được dư luận đánh giá cao vì tổ ra đề thi đã đưa ra 5 đến 6 tư liệu để cho học sinh bình luận và nêu ý kiến. Cách ra đề như thế này đã có sự đổi mới, phát huy được năng lực học tập của học sinh nên chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu để áp dụng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Đối với việc giảng dạy, các trường cần có sự đổi mới theo hướng không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phải chọn lựa cách dạy hấp dẫn, thu hút học sinh thích học Lịch sử như: Thầy cô giáo nên tận dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, các bài giảng nên bổ sung thêm tranh ảnh, video clip để minh họa… Các trường học nên tăng cường cho học sinh đi tham quan các di tích, địa danh lịch sử...
Tôi cho rằng, trong sách giáo khoa môn Lịch sử nên có phần tư liệu lịch sử, tranh ảnh đương thời và biếm họa. Trên nền tư liệu, tranh ảnh đó, chúng ta có thể kiểm tra, đánh giá khả năng học tập của học sinh một cách toàn diện hơn./.
Theo VOV