(Baonghean) - Bé con nhà tôi từ hôm khai giảng không thấy làm bài tập về nhà mà cứ loay hoay hết dán giấy, vẽ vời, lại lắp ghép mô hình, thêu thùa may vá. Chán rồi thì lôi các bài thi tiếng Anh IOE trên mạng ra để làm.
Tôi nhắc nó làm bài tập, thì nó bảo: "Cô không nói về nhà phải làm bài tập mẹ ạ!". Tôi lại hỏi nó: "Thế các bài tập trong sách giáo khoa thì làm vào lúc nào hả con?"; "Làm hết ở lớp rồi mẹ ạ!" - Nó trả lời tôi vậy.
Trao đổi với cô giáo chủ nhiệm thì mới biết là năm nay nhà trường thực hiện nghiêm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm và học thêm cho học sinh tiểu học, cho nên, nhà trường yêu cầu các giáo viên tuyệt đối không ra bài tập về nhà cho các cháu sau 2 buổi học ở trường.
Những năm trước, mặc dù đã có quy định này, nhưng giáo viên vẫn lo nếu các cháu không làm bài tập ở nhà thì không thể theo kịp chương trình, lại bị sức ép thành tích, nên dù bị cấm, các cô vẫn “lén” ra bài tập cho các cháu, với sự hưởng ứng cao của nhiều phụ huynh.
Tôi vốn theo quan điểm không bắt con phải nhồi nhét kiến thức một cách quá tải, nên việc con không phải làm bài tập về nhà vào buổi tối khiến tôi rất hài lòng. Không bài tập về nhà, sẽ không còn không khí căng thẳng, mệt mỏi với các bài tập nâng cao hóc búa vào những buổi tối đến tận 11-12 giờ khuya.
Không bài tập về nhà, nó được đi ngủ sớm hơn và sáng hôm sau cũng dậy sớm với tinh thần sảng khoái. Hôm nào không mưa, nó còn kịp chơi vài “séc” cầu lông trước khi ăn sáng và đến trường. Nó khỏe hơn và phấn chấn hơn trước mỗi buổi học.
Buổi tối, nó có nhiều thời gian hơn để thư giãn, trò chuyện với bố mẹ, làm những việc nó thích, như là cắt gián giấy, vẽ vời, xem hoạt hình, chăm sóc đôi gà con của nó. Năm nay, nó học lớp 4, có bộ đồ kỹ thuật lắp ghép và may thêu. Nó thích lắm. Tối nào cũng giăng ra để bày biện lắp ghép, hết hình này đến hình khác. Mặc dù chưa được học may thêu, nhưng cũng lôi bộ đồ thêu ra để "nghiên cứu". Tôi cũng tranh thủ thời gian này để chơi với con và hướng dẫn thêm cho nó những kỹ năng thiết yếu qua những trò chơi và hoạt động thực hành kỹ thuật.
Con không phải học bài thì không khí cả gia đình cũng trở nên dễ chịu hơn. Mọi người nói cười, xem ti-vi thoải mái, không sợ ảnh hưởng đến việc học của con.
Nhiều phụ huynh cứ cho rằng, phải cho con học càng nhiều càng tốt, mới có thể thành đạt sau này, nên hết học ở trường thì học thêm ở ngoài và làm đủ thứ bài tập ở nhà mà không hề quan tâm tới đặc điểm tâm lý, sức khỏe, khả năng tiếp thu và tập trung của các cháu. Ở lứa tuổi còn rất hiếu động, nhu cầu chơi đùa, hoạt động, khám phá thế giới xung quanh là cực lớn nhưng trẻ con lại phải gò mình trong những giờ học căng thẳng triền miên, từ sáng sớm đến tối muộn. Điều đó chỉ làm cho các cháu trở nên cáu kỉnh, thụ động, yếu ớt và mất niềm vui sống mà thôi.
Người lớn hãy thử đặt mình vào vị trí của các cháu xem. Chúng ta liệu có thể chịu được một áp lực kinh khủng như thế không?. Chưa kể, kiến thức được nhồi nhét một cách cưỡng bức, cũng dễ dàng bị xóa sạch khỏi bộ nhớ sau này.
Để có một con người trưởng thành cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, một nhân lực có chất lượng, điều quan trọng không phải chỉ kiến thức mà còn phải có kỹ năng. Kiến thức có thể mai một và lạc hậu ngay sau khi học, nhưng kỹ năng là cái đi suốt cuộc đời chúng ta, giúp chúng ta có thể sinh tồn và phát triển.
Khi học sinh Việt Nam được đánh giá cao trong chương trình PISA - một chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới khởi xướng và chỉ đạo, nhiều người tự hào bởi năng lực phổ thông của học sinh Việt Nam không hề kém thua thế giới. Nhưng hãy xem lại năng suất lao động của chúng ta với vị trí thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, để biết cái cách dạy học thiên về kiến thức đã đem lại được điều gì.
Vậy nên, tôi hy vọng, việc không có bài tập về nhà cho các cháu tiểu học sẽ là một khởi đầu tốt cho những thay đổi tích cực của ngành Giáo dục sau này, giúp chuyển dần cách dạy và học thiên về nhồi nhét kiến thức sang trang bị kỹ năng và niềm vui sống cho các cháu.
Bảo Ngân