Nhiều băn khoăn
Mặc dù cho đến thời điểm này, phương án chỉ mới đưa ra lấy ý kiến nhưng nhiều học sinh đã khá lo lắng, kể cả những học sinh trường chuyên.
Em Bành Thảo Linh - Học sinh lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho rằng: “Em đã được nghe cô giáo nói rằng năm học tới sẽ chuyển sang thi THPT Quốc gia trên máy tính và em khá băn khoăn. Thực tế, với học sinh chuyên Tin chúng em không lo lắng về thao tác nhưng em nghĩ phương thức thay đổi thì nội dung thi cũng thay đổi. Nhiều năm thi trên giấy và đã ôn luyện cách làm bài thi THPT Quốc gia rồi, em thực lòng mong năm 2021 không thay đổi bởi từ nay đến kỳ thi chúng em chỉ có hơn 1 năm để chuẩn bị”.
Tại Trường THPT Tân Kỳ 3, việc thi bằng máy tính cũng đang khiến giáo viên, học sinh và cả nhà trường hết sức lo ngại. Vì thực tế hiện nay trường có hơn 1.000 học sinh nhưng toàn trường chỉ có 24 máy vi tính. Vì vậy, nếu cố gắng sắp xếp thì nhiều lắm mỗi lớp cũng chỉ được thực hành ở phòng máy từ 5 -7 tiết/học kỳ. Điều đó, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến thao tác và khả năng tiếp cận máy tính của học sinh. Trong khi đó, để thi được trên máy tính các em phải được luyện tập và làm quen nhiều máy tính và tập luyện đề trên máy tính.
Nếu theo kế hoạch của bộ thì năm học sau chúng em sẽ thi trên máy tính nhưng thực tế cho đến thời điểm này, vì thiếu máy tính nên hiện tại đã học hơn 2 tháng chúng em chưa có tiết thực hành này. Vì vậy, nếu thi bằng máy tính chắc chắn thao tác của chúng em sẽ chậm hơn các bạn ở các vùng thuận lợi khác, trong lúc đề thi lại chung cho cả nước nên khả năng đậu đại học của chúng em sẽ thấp hơn”.
Là giáo viên dạy Tin học của nhà trường, cô giáo Lê Thị Thủy cũng rất trăn trở về điều này: “Hiện nay, việc học trên máy tính của nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất không đảm bảo. Bản thân các em do ở vùng sâu, vùng xa ít được tiếp xúc nên thao tác trên máy còn rất chậm, học sinh phải ngồi ghép 2, 3 em/máy và cần phải thường xuyên có giáo viên hỗ trợ. Với thực tế này, đề thi THPT Quốc gia theo tôi cần có một lộ trình dài và trong thời gian đó các trường cần được đầu tư về trang thiết bị để các em làm quen. Việc học môn Tin học cũng cần phải được đầu tư từ ngay những năm tiểu học chứ không phải đến bậc THPT mới được chú trọng...”.
Trước đó, Trường THPT Tân Kỳ 3 cũng đã “thử nghiệm” thi trên máy tính qua 2 cuộc thi Tìm hiểu Đảng Cộng sản và cuộc thi Học và làm theo Bác, học sinh ở trường cũng đã hào hứng tham gia thi.
Tuy nhiên, vì phòng máy của nhà trường chưa nối mạng nên học sinh phải tham gia thi trên máy điện thoại hoặc máy tính của cô giáo chủ nhiệm. Một số giáo viên còn có “sáng kiến” thuê phòng internet tư nhân để học sinh dự thi mới đảm bảo được yêu cầu. Giáo viên ở đây cũng cho rằng, vì thời lượng thực hành của học sinh quá ít, một năm học chỉ hơn 20 tiết nên nếu gia đình nào không có máy thì nhiều học sinh chưa làm quen được các ký hiệu trên bàn phím, việc dạy học hết sức khó khăn.
Cần có sự chuẩn bị kỹ càng
Chủ trương tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia trên máy tính bắt đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau năm 2020. Cũng theo lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong những năm tới, Bộ sẽ từng bước thí điểm việc thi THPT Quốc gia trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới.
Với kỳ thi này, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập; kết quả nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Đề xuất sau khi được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều và nhiều giáo viên cho rằng, việc thi trên máy tính chỉ áp dụng được ở những vùng thuận lợi. Còn lại, với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa điều này là khó khả thi vì không những cơ sở vật chất mà con người cũng chưa đảm bảo.
Tại Nghệ An, điều này càng có cơ sở khi hiện nay, việc dạy và học Tin học còn có nhiều bất cập. Đơn cử như ở bậc Tiểu học, hiện nay, hầu hết các trường đều chưa có giáo viên dạy Tin học, vì thế môn học này chỉ mới triển khai thuận lợi được ở những trường thuộc thành phố, thị xã hay ở khu vực trung tâm.
Ở bậc THCS, Tin học hiện nay cũng là môn học tự chọn. Tuy nhiên, ở những vùng thuận lợi như thành phố Vinh dù việc dạy Tin học đã triển khai hơn 10 năm ở các trường phổ thông, nhưng đến đầu năm học này phụ huynh vẫn chưa đồng tình vì nhiều trường học thu tiền học Tin học trái quy định. Trong khi đó, các trường lại gặp nhiều khó khăn vì họ không có biên chế giáo viên Tin học và nếu thuê giáo viên thỉnh giảng lại không có ngân sách chi trả.
Ở các huyện còn lại, môn Tin học dù được các phòng giáo dục rất khuyến khích nhưng chỉ trường nào có giáo viên mới tổ chức dạy học, còn lại hầu hết các trường đều chọn các môn văn hóa để dạy môn tự chọn.
Trước thực tế này, thầy giáo Nguyễn Đình Nhung - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Con Cuông cho rằng: “Tôi thấy chất lượng dạy và học Tin học ở các trường THCS hiện nay chưa đồng đều và bản thân học sinh cũng chỉ mới được làm quen với Tin học. Điều này, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học Tin học ở các trường THPT và nếu không có sự đầu tư thì khó có thể đáp ứng được việc thi Tin học trên máy tính”.
Ở bậc THPT, mặc dù Tin học là môn học bắt buộc nhưng lâu nay việc học thực hành đều hạn hữu và chưa hiệu quả. Như tại Trường THPT Quế Phong, hiện trường có hơn 1.600 học sinh với 42 lớp nhưng chỉ có 50 máy vi tính còn sử dụng được.
Hay mới đây, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã khảo sát việc dạy Tin học ở một số trường chuẩn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thấy rất nhiều bất cập khi công năng sử dụng của các phòng Tin học chưa cao.
Như tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1 qua khảo sát ở một lớp khối 11, từ đầu năm học đến nay đã có 8 bài Tin học, nhưng đến cuối tháng 10 mới có tiết thực hành đầu tiên.Từ những khó khăn trên, có thể thấy việc triển khai thi THPT Quốc gia trên máy tính cần có lộ trình cụ thể.
Theo tôi, trong năm đầu tiên, Bộ cần tổ chức thi theo hình thức tự nguyện để học sinh tự đăng ký. Khi việc triển khai đã thuận lợi thì Bộ mới làm đồng bộ để các nhà trường có một quá trình để tiếp cận và triển khai một cách chu đáo”