(Baonghean) - Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1000 ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong đó, Người nói: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”. Đến nay, 67 năm đã trôi qua kể từ sau lời hiệu triệu của Bác Hồ kính yêu, đã có nhiều tấm gương, nhiều thế hệ tô thắm thêm lá cờ vẻ vang của Đảng, của Tổ quốc và sáng mãi trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
 
Lòng yêu nước là truyền thống quý báu, là sức mạnh to lớn để dân tộc ta giữ vững được nền độc lập và nền văn hóa trong suốt bề dày lịch sử mấy ngàn năm với vô số thăng trầm, biến cố. Lòng yêu nước đã thấm nhuần vào máu thịt của mỗi người dân Việt Nam như một lẽ tự nhiên. Vậy hiểu thế nào là yêu nước, người yêu nước thì phải làm gì?
 
image_5640413.jpgThứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và đồng chí Hồ Đức Phớc tặng Bằng khen và phần thưởng cho 2 học sinh đạt giải quốc tế. Ảnh: Mỹ Hà
Trong những thời khắc khó khăn nhất của đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc ta vượt qua mọi thử thách giành thắng lợi hoàn toàn.
 
Ngay từ ngày đầu mới giành được độc lập, trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Bác đặt ra mục tiêu cụ thể cho phong trào thi đua là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Đó là những thứ giặc trước mắt đã nô dịch những người dân mất nước, cần phải được tiêu diệt, từ đó tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với phong trào “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Từ đó, phong trào thi đua sẽ đưa đất nước, dân tộc đến kết quả “Toàn dân đủ ăn đủ mặc - Toàn dân biết đọc, biết viết - Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm - Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Mục tiêu cuối cùng của phong trào thi đua, cũng chính là của lý tưởng cách mạng mà Bác soi đường chỉ lối cho dân tộc, chính là: “Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc”. Đến ngày hôm nay, phong trào thi đua yêu nước đóng vai trò sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tạo ra động lực đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh".
 
Không chỉ có mục tiêu mà cách thức, hành động để thể hiện tinh thần thi đua, hưởng ứng phong trào Bác nêu ra cũng giữ nguyên giá trị sau gần 7 thập kỷ. Trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công, đăng trên Báo Sự thật ngày 1/8/1949, Bác nêu lên hai vấn đề mấu chốt để thực hiện tốt phong trào thi đua.
 
Thứ nhất là, đừng “tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Có nghĩa là, bản chất của phong trào thi đua không được tách rời khỏi thực tiễn đời sống nhân dân mà phải bắt đầu từ chính những việc ta đang làm và sẽ làm, những việc có ích cho mình và cho xã hội, những việc mà đất nước đang cần, những việc mà trên cương vị công tác và nhiệm vụ ta phải làm. Từ đó làm tốt hơn, đặt mục tiêu cao hơn. Như vậy, ai ai cũng có thể thi đua, vì mỗi người đều có một vai trò, bổn phận nhất định đối với sự phát triển của cả tập thể. Cách thức thi đua vì vậy mà đa dạng, phong phú và tạo động lực để mọi người tự vươn lên, tạo thành một làn sóng thi đua lớn và rộng khắp trên mọi phương diện, huy động mọi thành phần của xã hội. 
 
Thứ hai là, đừng “tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ” và đừng “đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương”. Phong trào thi đua do Bác Hồ phát động vì vậy đã có sức sống lâu bền, đồng hành cùng dân tộc ta qua gần 7 thập kỷ với những giai đoạn lịch sử khác nhau, với bối cảnh, nhiệm vụ cách mạng khác nhau, nhưng tựu trung tinh thần thi đua vẫn là động lực to lớn để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng tiến lên đạt mục tiêu cao cả. Tư tưởng của Bác đề cao tính thực tiễn, linh hoạt, tính định hướng trong quá trình phát triển đến nay vẫn là kim chỉ nam cho những bước phát triển, đổi mới đất nước. Trong từng giai đoạn cụ thể, phong trào thi đua lại hướng về những mục tiêu cụ thể phù hợp với bối cảnh chung và phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và bản thân đối tượng thi đua. 
 
Đất nước chúng ta đã vượt qua những thác ghềnh, biến cố, thách thức vô cùng to lớn và tinh thần yêu nước của nhân dân ta chính là sức mạnh lớn nhất làm nên những chiến thắng vẻ vang, đem lại nền hoà bình độc lập ngày hôm nay. Trong thời đại mới, bối cảnh thế giới, khu vực và đất nước không ngừng chuyển động. Những vận hội mới, thách thức mới đang và sẽ tiếp tục mở ra trên mọi lĩnh vực: an ninh - chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội. 
 
Để xây dựng đất nước ta giàu mạnh, văn minh đòi hỏi mỗi đảng viên, cán bộ là một chiến sỹ tiên phong, là hạt nhân lãnh đạo nhân dân nỗ lực phấn đấu trong mặt trận mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đối với tỉnh Nghệ An chúng ta, với bề dày lịch sử truyền thống văn hóa, cách mạng, có những thành tích lớn trong phong trào thi đua yêu nước qua các giai đoạn cách mạng. Trong phong trào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những phong trào thi đua "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "tiếng hát át tiếng bom", "xe chưa qua nhà không tiếc”,... luôn được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nghệ An nhiệt liệt hưởng ứng. Trong thời kỳ đổi mới, truyền thống đó tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 2 tập thể và 1 cá nhân đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động; 9 tập thể và 1 cá nhân là Anh hùng LLVTND; 5 Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 128 Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; cùng nhiều cá nhân và tập thể được trao các huân chương, bằng khen, cờ thi đua khen thưởng...
 
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đang hết sức mình để thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của tỉnh Đảng bộ. Những kết quả quan trọng đạt được trong giai đoạn 2010-2015 vừa qua đã tạo ra đột phá lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển giáo dục, y tế, xuất khẩu lao động, xây dựng nông thôn mới,... Đó là nền tảng tích cực cho công cuộc phát triển tỉnh Nghệ An sắp tới. Trên nền tảng đó, để có thể tiến xa hơn, nhanh hơn, chúng ta tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước hơn nữa mà yếu tố then chốt chính là con người. 
 
Bác Hồ đã nói: “Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được”. Bác luôn đặt con người làm hạt nhân trung tâm của phong trào thi đua: Dù khó khăn đến đâu, dân tin thì sẽ thắng lợi, mỗi cá nhân đều tốt thì phong trào sẽ tốt, phong trào tốt thì đất nước phát triển tốt. Lợi ích của đất nước, của cộng đồng và mỗi cá nhân hài hòa, đó chính là kết quả của sự nỗ lực, thi đua, đóng góp. Nói như vậy cũng có nghĩa là phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới phụ thuộc vào sự cố gắng nỗ lực sáng tạo, đổi mới của mỗi cá nhân. Chỉ có xây dựng được con người mới, có khát vọng, hoài bão, có đạo đức, năng lực, biết sử dụng, làm chủ những phương tiện và vận hội mới, trên nền tảng truyền thống thi đua yêu nước mạnh mẽ, làm theo lời Bác: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" thì mục tiêu công cuộc xây dựng, phát triển đất nước mới sớm thành công.
 
Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy