(Baonghean) - Trong không khí cả nước hướng về các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015 là một dấu mốc quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà nhìn lại chặng đường đã qua, với những thành tích đáng tự hào trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Báo Nghệ An thực hiện cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, cũng như định hướng trong thời gian tới.
Phóng viên:Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thi đua yêu nước là một phong trào đồng hành với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều thời kỳ, giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc. Theo đồng chí, phong trào này có ý nghĩa, ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Nghệ An chúng ta nói riêng?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường:Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” - lời hiệu triệu, thúc giục hàng triệu người dân Việt Nam, cổ vũ tinh thần dũng cảm, hy sinh, không quản ngại gian khổ trên mọi mặt trận. Chúng ta nhớ lại, đó là quãng thời gian khó khăn của đất nước mới được khai sinh sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lời kêu gọi của Bác như một sự khích lệ to lớn, khơi dậy một lần nữa làn sóng yêu nước mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
để làm nên những thắng lợi vẻ vang ở cả tiền tuyến và hậu phương.
Gần 70 năm đi qua, lời kêu gọi của Bác Hồ vẫn khắc ghi trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Đó không chỉ đơn thuần là một lời cổ động, mà đã trở thành một định nghĩa, một lời dạy để chúng ta bảo vệ và phát huy một truyền thống quý báu của dân tộc - tinh thần yêu nước. Dù trong thời chiến hay thời bình, sự trường tồn và phát triển đi lên của đất nước cũng đều cần đến lực đẩy từ sự cống hiến, đóng góp của mỗi cá nhân.
Tỉnh Nghệ An chúng ta là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là niềm vinh dự, tự hào và đồng thời cũng đặt lên vai chúng ta trách nhiệm to lớn. Thấm nhuần lời kêu gọi, lời dạy của Bác, trong mọi thời kỳ, mọi bối cảnh, chúng ta phải luôn nêu cao truyền thống yêu nước. Từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và những chiến công, đóng góp cho 2 cuộc kháng chiến cứu nước, bước vào thời kỳ đổi mới, truyền thống yêu nước và phong trào thi đua phải được kế thừa, viết tiếp bằng những con người mới và những mục tiêu mới. Đó là xây dựng, phát triển để tỉnh Nghệ An nói riêng và đất nước nói chung ngày càng giàu mạnh, hội nhập và nâng tầm trên trường quốc tế.
Phóng viên:Thưa đồng chí, nhìn lại phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà trong giai đoạn 2010 - 2015, theo đồng chí những dấu ấn, điểm sáng mà chúng ta tạo được để thể hiện tinh thần yêu nước trong thời kỳ mới là gì?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường:Hưởng ứng phong trào thi đua với chủ đề “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng cơ quan, địa phương, quê hương giàu mạnh”, trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Nghệ An chúng ta đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Về kinh tế, GDP bình quân giai đoạn 5 năm đạt 7,89%, sau 5 năm, GDP bình quân đầu người tăng lên gấp đôi (đạt 29 triệu đồng vào năm 2015), thu ngân sách toàn tỉnh tăng 1,8 lần (dự kiến đạt hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nhận thức của người dân về nền kinh tế hội nhập từng bước được nâng cao.
Về văn hoá - xã hội, chúng ta tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống dạy và học nổi tiếng của xứ Nghệ. Từ năm 2010 - 2015, tỉnh Nghệ An liên tục là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng học sinh đậu và đạt điểm cao vào các trường đại học; số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế và khu vực. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, phải ghi nhận sự khởi sắc rõ nét, sự chuyển mình mạnh mẽ của Nghệ An trên con đường hội nhập, công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Nổi bật nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng cấp đồng bộ với mạng lưới cầu - đường - cảng biển - cảng hàng không được đầu tư xây mới, mở rộng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Thông qua cánh cửa hội nhập, sức hút và tiềm năng của Nghệ An đã được nhiều nhà đầu tư ghi nhận và tìm đến: đã có 533 dự án mới được triển khai thực hiện giai đoạn 2010 - 2015 với tổng vốn đăng ký đạt 136.989 tỷ đồng. Những dự án lớn đã và đang triển khai như: Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp Tuấn Lộc, Nhà máy Tôn Hoa Sen, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, Nhà máy Royal Foods Nghệ An, Nhà máy ván nhân tạo MDF, các Nhà máy xi măng (Đô Lương, 12/9), Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1… hứa hẹn sẽ là những điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới.
Nhưng trên hết, khi nhìn vào những thành quả mà chúng ta đạt được ở tầm vóc vĩ mô đó, con người mới chính là yếu tố quan trọng nhất, là điểm sáng của phong trào thi đua yêu nước. Dù là phong trào thi đua nào, thuộc lĩnh vực nào, chúng ta cũng có những người, những việc - những gương điển hình tiên tiến, với sức mạnh lan toả và ý nghĩa cổ vũ, thúc đẩy đối với cả tập thể, cả cộng đồng.
Phóng viên:Thưa đồng chí, vậy trong giai đoạn sắp tới, mục tiêu mà tỉnh Nghệ An chúng ta hướng đến là gì và phong trào thi đua yêu nước sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc hoàn thành mục tiêu đó?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Năm 2013, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra cho tỉnh ta là vươn lên trở thành tỉnh khá, là trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ. Cũng có nghĩa là, chúng ta phải hướng tới việc nâng cao sức lan toả, ảnh hưởng, cũng như vai trò của tỉnh Nghệ An trên bản đồ kinh tế - văn hoá - xã hội của khu vực và của cả nước. Kết thúc giai đoạn 2010 - 2015, chúng ta đã bước đầu đạt được những thành quả nhất định, tạo nền tảng và tạo đà bứt phá trong giai đoạn 2016 - 2020 sắp tới.
Cụ thể, phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động nội lực, đẩy mạnh thu hút ngoại lực; xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững chắc; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cần phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”,… Để có phong trào tốt, phải có con người tốt. Con người là hạt nhân cốt lõi của phong trào thi đua, cũng như là yếu tố chủ chốt trong công cuộc xây dựng, phát triển. Phong trào thi đua yêu nước chính là môi trường, là nguồn khích lệ, cổ vũ tốt nhất để kết tinh nên những cá nhân, tập thể điển hình, xuất sắc, từ đó tạo sức lan toả đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tạo động lực để đất nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng tiến lên trên con đường phát triển, hội nhập.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch về cuộc phỏng vấn!
Thục Anh
(Thực hiện)