(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện cùng Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng bên lề Đại hội đua yêu nước ngành Tài chính Việt Nam lần thứ IV (giai đoạn 2016 - 2020)
 
P.V: Thưa Bộ trưởng, theo đồng chí thì những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2011 - 2015 của ngành Tài chính được thể hiện khái quát trên những lĩnh vực nào?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Những thành tựu nổi bật của ngành được thể hiện trước hết là toàn ngành
images1370957_dung_yzyy__1_.jpgBộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
đã phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong 5 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, các chính sách tài chính gắn liền với đời sống KT-XH đã phát huy hiệu quả tích cực, nhờ đó tiềm lực tài chính quốc gia được tăng cường, an ninh tài chính quốc gia cơ bản được bảo đảm, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện nghĩa vụ tài chính quốc tế.
 
Thứ hai, tôi cho rằng công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Với tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 31% GDP, gấp 1,8 lần giai đoạn 2006 - 2010, trong đó, cơ cấu vốn đầu tư của khu vực Nhà nước chiếm 39,51% tổng vốn đầu tư xã hội là một thành công lớn. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tài chính - NSNN được đổi mới; chủ động thực hiện chính sách hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế, chú trọng chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giám sát, động viên phân phối các nguồn lực tài chính Nhà nước... Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính cùng với bộ máy tổ chức quản lý tài chính được kiện toàn và đổi mới trên nhiều phương diện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia. Thêm vào đó, sự đổi mới công tác quản lý giá phù hợp với nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước cùng với việc thị trường tài chính, bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, quá trình tái cơ cấu thị trường được thực hiện đồng bộ... chính là những thành tựu của ngành Tài chính. 
 
P.V: Đó là trong công tác chuyên môn, còn trong công tác xây dựng phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình tiên tiến, thì ngành Tài chính đã đạt những kết quả cơ bản nào, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:Trong công tác xây dựng phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình tiên tiến, tôi cho rằng việc tổ chức sâu rộng phong trào, tạo được động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao là quan trọng nhất. Ngành Tài chính luôn coi trọng và xác định việc duy trì thường xuyên, liên tục các phong trào thi đua là trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và mọi cán bộ, công chức. Phát động phong trào thi đua phải thiết thực, có trọng tâm trọng điểm, đan xen với thi đua chuyên đề, đột xuất; thi đua trong đề xuất các giải pháp, sáng kiến; thi đua trong cải cách thủ tục hành chính.
 
Bộ Tài chính đã phát động 5 phong trào thi đua lớn với nội dung và khẩu hiệu hành động của mỗi phong trào gắn liền với điều kiện hoàn cảnh kinh tế đất nước tại thời điểm phát động. Và năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, là năm toàn ngành lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và Đại hội Đảng các cấp, Bộ Tài chính đã phát động phong trào thi đua “Lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (28/8/1945 - 2015) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ IV.
 
Thứ hai, là ngành Tài chính luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bằng những biện pháp thiết thực, cụ thể. Các phong trào thi đua đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề, thái độ nhiệt tình, tận tụy đối với công việc, khích lệ tinh thần làm việc hăng hái, sáng tạo, đồng thời thúc đẩy không ngừng việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức công tác. Để ghi nhận và biểu dương những đóng góp đó, các tập thể và cá nhân của ngành Tài chính đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tiêu biểu là ngành đã hai lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1995, 2015), Huân chương Sao Vàng, Cờ thi đua Chính phủ, dẫn đầu phong trào thi đua Khối thi đua các Bộ, ngành năm 2006 và năm 2014. Toàn ngành đã có 15 tập thể và 3 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 
 
 P.V:Thưa Bộ trưởng, ngoài các thành tích nêu trên, ngành Tài chính còn tham gia rất tốt các phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương phát động; xin đồng chí cho biết rõ hơn?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Những thành tích vừa nêu trên là những thành tích thi đua nội ngành, còn trên quy mô toàn quốc, ngành Tài chính đã tích cực hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 8/6/2011 nhân kỷ niệm 63 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Cùng với các bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt tại các vùng khó khăn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn. Trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã xuất cấp hàng trăm nghìn tấn gạo hỗ trợ hộ nghèo nhằm cứu đói giáp hạt và bị ảnh hưởng bởi thiên tai hàng năm theo chỉ đạo của Chính phủ; phân bổ nguồn lực vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững; dự án hỗ trợ các vùng nghèo, vùng khó khăn phát triển, vùng có điều kiện phát trển KT-XH thu hút nguồn lực tài chính để tự phát triển… 
 
Một trong những điển hình là đã triển khai thành công việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên quy mô toàn quốc. Từ năm 2011 đến nay, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh để được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án thí điểm BHNN tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, ưu tiên phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 80%; hộ nông dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Trong 3 năm triển khai đã có trên 304 nghìn hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN (hộ nghèo chiếm 77%, hộ cận nghèo chiếm 15%); có 236 nghìn hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa; 60 nghìn hộ tham gia bảo hiểm vật nuôi; trên 7 nghìn hộ tham gia bảo hiểm thủy sản. Có những thời điểm tổn thất xảy ra với quy mô lớn, đồng loạt, trên phạm vi rộng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người tham gia bảo hiểm sớm khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất. Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm tính đến nay là 712,9 tỷ đồng.
 
Công tác thí điểm BHNN đã được người dân hưởng ứng tham gia cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai BHNN là hết sức đúng đắn. Đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. 
 
Nhìn chung, việc tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ tài chính ngân sách đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là nhiệm vụ rất quan trọng của toàn ngành Tài chính. Với những thành tựu đạt được, đồng thời nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn mới với những cơ hội và thách thức đan xen, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính quyết tâm đoàn kết, phát huy truyền thống vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao năm 2015 và cả giai đoạn 2016 - 2020.
 
P.V:Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng!
 
Sông Hồng
(Thực hiện)