(Baonghean) - Trong nhiều năm qua, xuất khẩu lao động đang là hướng đi đúng đắn để giải quyết nhu cầu việc làm của người dân trên cả nước nói chung và tại Nghệ An nói riêng. Các thị trường “hút lao động” như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông… là những nơi có ngành công nghiệp sản xuất phát triển, nhu cầu về lao động cao, trở thành địa chỉ hấp dẫn cho hoạt động xuất khẩu lao động.
 
Bên cạnh những thị trường truyền thống, trọng điểm như Đài Loan, Malaysia, những năm gần đây Hàn Quốc đang dần chứng tỏ tiềm năng trở thành “miền đất hứa” đối với nam nữ thanh niên trong độ tuổi lao động mong muốn tìm kiếm việc làm ổn định, có nguồn thu nhập đều đặn gửi về cho gia đình và làm vốn tích lũy cho tương lai. Dù chung cứu cánh, trong số những người đã và đang ở Hàn Quốc, mỗi người có một hoàn cảnh, một câu chuyện, một cách lựa chọn và hành xử khác nhau. Có người tuân thủ tốt kỷ luật lao động, được chủ lao động tiếp tục gia hạn hợp đồng, nhưng cũng có người bất chấp luật lệ, không về nước đúng hạn và trở thành lao động bất hợp pháp…
 
Tâm sự góc tối - sáng
 
Anh Nguyễn Văn Q.(xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) sang Hàn Quốc lao động từ cuối năm 1999 theo chương trình tu nghiệp (khi đó chưa triển khai Chương trình EPS), với bản hợp đồng thời hạn 3 năm và mức lương tương đương 400 USD/tháng tại một công ty chuyên sản xuất hệ thống cứu hỏa. Tuy nhiên, đến năm 2003, khi thời hạn về nước đến gần, với suy nghĩ “kiếm thêm chút vốn liếng tích lũy”, lại bị rủ rê, lôi kéo, anh Q. trở thành lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chuyển sang làm công nhân tại một xưởng sản xuất nhỏ. 7 năm sống và làm việc trái với quy định của pháp luật, cũng là chừng ấy thời gian anh canh cánh nỗi lo bị cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện và trục xuất. Bởi vậy, anh hạn chế đi lại, hầu như không tiếp xúc, giao thiệp với mọi người, cuộc sống tương đối tách biệt và cô lập. Anh ngậm ngùi nhớ lại, chính sự mặc cảm về hành vi của bản thân đã khiến anh không dám làm nhiều việc theo dự định, đơn cử như đăng ký theo học các khóa tiếng Hàn Quốc để nâng cao vốn ngoại ngữ. Đến năm 2010, anh bị phát hiện và được đưa về nước, kết thúc chuỗi ngày vì chút tư lợi cá nhân mà phải “bám trụ phi pháp” tại xứ sở kim chi.
 
 
images1370950_a5_l_p_rap_linh_ki_n_di_n_t__t_i_nh__m_y_bse._ch_u_lan.jpgLao động đi xuất khẩu trở về địa phương có thể thi tuyển vào làm việc tại các công ty Hàn Quốc (trong ảnh: Lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy BSE). Ảnh: Châu Lan
 
Một câu chuyện khác của người lao động tuân thủ tốt kỷ luật và hợp đồng lao động của chủ sử dụng lao động Hàn Quốc, anh Nguyễn Hữu Hiệp (sinh năm 1987), xóm 3, xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương. Tháng 3/2010, anh vào Trường dạy nghề số 4 đóng trên địa bàn TP Vinh để học tiếng Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo ngoại ngữ ngắn hạn và vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn KLPT, anh Hiệp được các cán bộ tại trường tạo điều kiện làm hồ sơ thủ tục để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc lao động vào tháng 4/2011. Theo hợp đồng, anh vào làm việc tại một công ty sản xuất dây điện ở miền Trung xứ sở kim chi, tính đến nay đã “trung thành” với công ty được 4 năm 4 tháng.
 
Anh thẳng thắn chia sẻ: “Nhìn chung lao động người Việt Nam được các chủ lao động Hàn Quốc đánh giá là thông minh và cần cù, chịu khó hơn so với lao động đến từ các thị trường khác, chính vì vậy việc các công ty gia hạn hợp đồng với lao động người Việt Nam cũng là điều dễ hiểu”. Tất nhiên, với điều kiện người lao động phải có hành xử, thái độ “mẫu mực”, đơn cử như đảm bảo sự ổn định, không thay đổi chỗ làm trong thời gian sinh sống tại Hàn Quốc. Còn đối với bộ phận lao động thuộc diện CBT, nghĩa là làm việc cho từ 2 công ty trở lên, nếu về nước đúng hạn và vượt qua một kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn, làm hồ sơ đầy đủ thì 6 tháng sau đó có thể tiếp tục quay lại Hàn Quốc sinh sống và làm việc. 
Sản xuất linh kiện cầu thang máy ở Công ty Strong plus Elevater Việt Hàn (KCN Nghi Phú, TP. Vinh). Ảnh: Châu Lan
 
Như vậy, bản thân người lao động Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung tại thị trường Hàn Quốc hầu hết đều nhận thức được việc không tuân thủ hợp đồng lao động là hành động không đúng. Tuy nhiên, do cái lợi nhỏ trước mắt, hoặc do không có bản lĩnh, lập trường quan điểm không vững vàng, bị lôi kéo, rủ rê, một bộ phận người lao động tìm đến phương án “sống chui”, “làm chui”, tạo nên những góc tối cả về nghĩa đen - cuộc sống biệt lập, ít giao thiệp với bên ngoài và cả về nghĩa bóng - tạo nên định kiến không tốt của các nhà tuyển dụng Hàn Quốc đối với lao động Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến phía Hàn Quốc phải tăng cường siết chặt quản lý và xử lý lao động Việt Nam không chấp hành tốt pháp luật, vô hình trung vẽ ra một hàng rào trước cơ hội xuất cảnh của nhiều lao động khác.
 
Trở về từ miền đất hứa
 
Trải nghiệm cuộc sống tại Hàn Quốc với nhiều kỷ niệm vui - buồn, người lao động Việt Nam trở về nước không chỉ mang theo ít nhiều vốn liếng tích luỹ mà còn mang theo cả những hành trang không thể đong, đếm được. Sau khi bị trục xuất, anh Q. quyết định về địa phương sinh sống và làm ăn. Vợ chồng anh mở một nhà hàng hải sản trên con phố Nguyễn Xí, cách bãi biển Cửa Lò không xa, phục vụ thực đơn phong phú, trong đó không thể thiếu những món ăn mang đậm phong vị Hàn Quốc. Cái tên “Yêng Chi” của nhà hàng, cũng chính là tên đặt cho con gái đầu lòng của hai vợ chồng, là cách phát âm từ “linh chi”, tên một loại nấm quý hiếm nổi tiếng của Hàn Quốc. Điểm xuyết trong cuộc sống hiện tại của anh Q. vẫn có những góc nhỏ gợi nhớ về nơi mà anh từng có thời gian gắn bó dài lâu.
 
Trong đó, điều anh ấn tượng nhất là tác phong làm việc công nghiệp của con người xứ Hàn: “Họ có ý thức đi sớm, về muộn một chút để đảm bảo không bớt xén thời gian làm việc theo quy định, phân biệt rõ ràng giữa thời gian lao động và giải lao, trong lúc làm việc không nói chuyện riêng, không nghe điện thoại,…”. Anh khẳng định, kỷ luật lao động trong môi trường làm việc ở Hàn Quốc hết sức nghiêm ngặt, là một trong những yêu cầu hàng đầu của các nhà tuyển dụng đối với lao động phổ thông. Anh Q. tâm sự: “Quãng thời gian ấy đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về nhiều khía cạnh của cuộc đời, về cách sống, cách ứng xử. Đồng thời, được sinh sống và làm việc tại đất nước có trình độ phát triển cao về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cũng như lối sống văn minh, thân thiện của người dân bản địa… là cơ hội để khi trở về nước, tôi có động lực áp dụng những gì mình đã học hỏi được, góp phần xây dựng quê hương”.
 
Còn anh Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “Tích lũy vốn liếng cho tương lai là một chuyện, ở một góc độ khác tôi cảm thấy bản thân trưởng thành hơn từ những điều đơn giản nhất học hỏi được khi xa nhà, tự lập và thích nghi với môi trường nơi đây. Trong trường hợp hợp đồng không kéo dài thêm, tôi sẽ về nước đúng hạn, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp về người lao động Việt Nam. Với những “gia tài” tích lũy được trên nước bạn, tôi tin là không khó để tìm được việc làm trên chính quê hương mình, đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư tại Nghệ An”.
 
Nhận định về lao động Nghệ An đi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng, đồng chí Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trực tiếp phụ trách lĩnh vực xuất khẩu lao động cho biết: “Người lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng rất thiết tha đi xuất khẩu lao động. Trong bối cảnh hội nhập, cánh cửa đến với thị trường quốc tế đang ngày càng mở rộng với nhu cầu và nguyện vọng vươn lên làm giàu, lập nghiệp của người lao động trong nước và trong tỉnh. Riêng đối với Hàn Quốc, đây là một thị trường cởi mở và có nhu cầu tuyển dụng cao, đặc biệt trình độ lao động đầu vào không phải là ưu tiên hàng đầu tiên quyết mà vấn đề họ quan tâm là kỷ luật lao động. Tuy nhiên, do tỷ lệ lao động không muốn về nước và ở lại cư trú bất hợp pháp tương đối cao nên thời gian gần đây thị trường Hàn Quốc có phần khắt khe hơn về mặt thủ tục pháp lý. Trên thực tế, tỷ lệ lao động Nghệ An ở lại cư trú trái pháp luật không cao so với mức bình quân chung của cả nước nhưng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm công tác tư tưởng để người lao động nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, các quy định pháp lý của nước bạn. Như vậy, tạo dựng được hình ảnh đẹp về người lao động Nghệ An nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung trên thị trường lao động quốc tế”.
 
Khách quan nhìn nhận, chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc không chỉ đóng góp tích cực cho nền kinh tế tỉnh nhà thông qua nguồn kiều hối của người lao động gửi về. Ở một tầm nhìn dài hạn hơn, môi trường công nghiệp hiện đại Hàn Quốc có tác động tích cực đến trình độ tay nghề và hơn hết là ý thức, tác phong, tư duy của người lao động. Trở về từ những “miền đất hứa”, họ mang theo những lối nghĩ, cách làm mới mẻ và hiện đại để khởi nghiệp trên chính quê hương. Hoặc, chính họ sẽ là những “nam châm” tạo sức hút đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư người nước ngoài đến với Nghệ An. Như vậy, đã có sự trao đổi luồng con người và vật chất theo hai chiều xuất - nhập. Chúng ta “xuất” đi nguồn lao động “thô” thấp thoáng đâu đó lối tư duy cũ của nền kinh tế thủ công, vừa và nhỏ để nhận về nguồn lao động qua đào tạo nhất định và với tư duy, tác phong đổi mới theo lối công nghiệp. Cùng với đó là những cơ hội đầu tư, phát triển quý giá đến từ cộng đồng quốc tế, mang theo tri thức hiện đại và cơ hội nâng cao, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế đang trên đà phát triển. Đó chính là nguyên lý cơ bản và cũng là lợi ích to lớn nhất mà chúng ta nhận được trên tiến trình hội nhập, mà trước mắt là cộng đồng ASEAN, châu lục và xa hơn thế nữa.
 
Thu Giang