Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Alexei Fenenko, giảng viên bộ môn An ninh quốc tế thuộc khoa Chính trị thế giới trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva, cho hay, Úc đang "ác quỷ hóa" Trung Quốc theo chỉ thị của Hoa Kỳ. Chuyên gia dự đoán khả năng mối quan hệ Trung-Úc sẽ trở nên lạnh nhạt hơn nữa vì Washington coi Úc là một công cụ để kiềm chế Trung Quốc.
Theo chuyên gia Nga, nguyên nhân của vụ bê bối này là "rất đơn giản":
Úc, cũng như New Zealand, đều ủng hộ khái niệm Mỹ kiềm chế Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Cả hai nước đều có liên hệ chặt chẽ với Mỹ và đều bị Hiệp ước ANZUS ràng buộc. Hiệp ước này đã được ký kết vào năm 1951 và được gia hạn vào năm 2010. Vì vậy, ở đây không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là sự đối đầu với Trung Quốc. Úc tin rằng, nếu Australia giúp làm suy yếu Trung Quốc thì sẽ có một cơ hội lớn cũng cố vị thế ở Thái Bình Dương. Đáp trả sự trung thành của Úc về mặt quân sự và chính trị, Mỹ nhập khẩu nguyên liệu urani của nước này, phát triển quan hệ kinh tế, cho phép các tàu chiến Australia cập cảng tại Mỹ, và điều quan trọng nhất, giúp Australia vào thành phần câu lạc bộ ảo "các cường quốc mạnh nhất". Hoa Kỳ ngay từ thời Clinton đã vạch ra mục tiêu để Australia và New Zealand làm đối trọng với Trung Quốc.Chỉ riêng trong tháng 4, đã có ít nhất hai đợt căng thẳng trong quan hệ Trung-Úc. Vào ngày 10 tháng 4, các phương tiện truyền thông Úc đã đưa tin rằng, Trung Quốc đang thành lập một căn cứ quân sự ở Vanuatu. Vanuatu và Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ thông tin này. Trong khi đó, vào ngày 19 tháng 4, Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai lại một lần nữa phải bác bỏ những cáo buộc của giới truyền thông Úc về việc nước ông đang đàm phán với Trung Quốc về việc xây dựng một căn cứ hải quân. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc hội đàm của Thủ tướng Vanuatu với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. Cuộc gặp gỡ đã được tổ chức ở London trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao các nước Khối thịnh vượng chung. Trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông Charlot Salwai nói, ông đã cam đoan với Thủ tướng Úc rằng, thông tin của các phương tiện truyền thông là sai sự thật. Điều này cho thấy rằng, chính quyền Úc chỉ đơn giản không muốn tin vào những gì các láng giềng trong khu vực nói với họ.
Hôm thứ Năm, 19 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi Úc lắng nghe tiếng nói của các nước khác. Bà đã hai lần kêu gọi Úc làm như vậy khi bình luận về việc Australia thổi phồng mối lo ngại về "nguy cơ ảo từ phía Trung Quốc" xung quanh căn cứ không tồn tại ở Vanuatu.