Tổng thống Trump mời Tổng thống Putin sang thăm Mỹ
trump1349453_2042018.jpgCăng thẳng Mỹ - Nga liệu có hạ nhiệt trong thời gian tới. Ảnh: AFP
 Hãng thông tấn Ria Novosti của Nga dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Tổng thống Donald Trump rất hân hạnh được đón tiếp người đồng cấp từ Nga tại Nhà Trắng. 

Hãng tin trên dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra lời mời trên trong cuộc điện đàm với ông Putin. Ông  Trump nói với ông Putin rằng ông sẽ vui mừng nếu có một chuyến công du qua lại tới Nga.

Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ không cho phép xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và Nga cũng như Moskva sẽ không đề nghị ông Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Nga.

 Iraq không kích trụ sở IS ở Syria
 
Tiêm kích F-15 của Iraq.

Không quân Iraq công bố video máy bay chiến đấu nước này không kích mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria.

Trong video, một chiến đấu cơ của Baghdad thả bom trúng tòa nhà của phiến quân, khiến nó sập xuống ngay lập tức và khói bụi bốc lên mù mịt. Iraq không công bố thương vong của phiến quân sau đòn không kích.

Được sự đồng ý của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Iraq hôm 19/4 điều biên đội tiêm kích F-16 bay vào lãnh thổ Syria để tấn công các tay súng IS đang cố thủ tại hai tỉnh Deir Ezzor và Hasakah.

Hồi đầu tháng, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định "sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nếu IS đe dọa đến an ninh của Iraq". Quân đội Iraq tháng 12/2017 tuyên bố đánh đuổi hoàn toàn IS khỏi đất nước này.

Tuy nhiên, các tay súng IS vẫn tiếp tục mai phục, thực hiện các vụ ám sát và đánh bom trên lãnh thổ Iraq, đặc biệt tại khu vực dọc biên giới với Syria. Hiện Iraq duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt với Iran và Nga, đồng minh thân cận của chính quyền Syria, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn lớn của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Đức sơ tán dân để xử lý bom từ Thế chiến II
 
Một quả bom thời Thế chiến II nặng 1,8 tấn được vô hiệu hóa thành công ở Frankfurt, Đức, hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: DPA.
 

Xe lửa, xe điện, xe buýt, thậm chí một số chuyến bay tại sân bay Tegel, Berlin, sẽ bị hoãn trong thời gian đội phá bom mìn tiến hành vô hiệu hóa một quả bom 500 kg của Anh còn sót lại từ Chiến tranh Thế giới II.

Nhà chức trách đã cho phong tỏa trong bán kính 800m quanh nơi có bom, cách nhà ga trung tâm không xa về phía bắc, nơi mỗi ngày đón khoảng 300.000 hành khách qua lại.

Khu vực cấm bao gồm nhà ga, một bệnh viện quân đội, Bộ Kinh tế, một phòng trưng bày nghệ thuật, một bảo tàng cùng một phần trụ sở mới của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND).

Hàng nghìn người sống hoặc làm việc trong khu vực sẽ phải tạm lánh đi nơi khác bắt đầu từ 9h sáng và chỉ có thể quay về khi công tác vô hiệu hóa quả bom đã hoàn tất.

Chuyên gia cho rằng hiện còn khoảng 3.000 quả bom bị chôn vùi dưới lòng đất ở thủ đô nước Đức, nơi có dân số tới 3 triệu người.

Tàu chiến Australia và Trung Quốc chạm mặt trên biển Đông
 
Tàu HMAS Toowoomba. Ảnh: Hải quân Australia.
 Các quan chức quốc phòng Australia cho biết, ba tàu hải quân HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success của nước này đã có cuộc chạm mặt chuẩn mực nhưng mạnh mẽ với hải quân Trung Quốc khi di chuyển trên Biển Đông.
Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Australia chỉ xác nhận tàu HMAS Anzac và HMAS Success gần đây đã di chuyển qua Biển Đông sau khi rời vịnh Subic tại Philippines, trong khi tàu HMAS Toowoomba cũng đi qua vùng biển này sau khi rời cảng tại Kota Kinabalu thuộc Malaysia.
Bộ Quốc phòng Australia nhấn mạnh rằng, tàu và máy bay của nước này sẽ tiếp tục thể hiện quyền của mình theo luật pháp quốc tế vì tự do hàng hải và hàng không, bao gồm trong khu vực Biển Đông.

Các nguồn tin quân sự Australia xác nhận ba chiến hạm này đã bị hải quân Trung Quốc "thách thức" khi đi qua Biển Đông. Bộ Quốc phòng Australia từ chối trả lời câu hỏi hay thảo luận chi tiết về vụ chạm trán giữa tàu chiến Australia và hải quân Trung Quốc trên vùng biển này.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull không xác nhận vụ việc, nhưng tái khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. "Chúng tôi duy trì và thực hiện quyền tự do đi lại trên biển, trên không khắp thế giới và coi việc tàu chiến di chuyển trên Biển Đông là quyền của chúng tôi theo luật pháp quốc tế", ông Turnbull nói.

 

Chiến đấu cơ Nga dội bão lửa xuống phiến quân tại thủ đô Syria

 
Vị trí thị trấn Hajar al-Aswad. Đồ họa: BBC.
 Các máy bay chiến đấu của Nga tiến hành hàng loạt trận không kích nhằm vào lực lượng nổi dậy và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thị trấn Hajar Al-Aswad và Trại Yarmouk, Syria.

Các nhân chứng cho biết các trận không kích diễn ra với mật độ dày đặc chưa từng có. Có lúc không quân Nga đã thực hiện 6 đợt ném bom vào mục tiêu phiến quân chỉ trong 15 phút.

Các đợt không kích dữ dội của máy bay Nga được thực hiện để yểm trợ hỏa lực cho quân đội chính phủ Syria giành lại các khu vực cuối cùng phiến quân còn kiểm soát ở gần thủ đô Damascus.

Trước đó, quân nổi dậy đã đồng ý rút lui khỏi thành phố Douma và khu vực Đông Ghouta ở phía nam Damascus sau nhiều tháng bị quân chính phủ vây hãm. Douma là nơi quân đội Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học khiến 70 người thiệt mạng hôm 7/4. Mỹ, Anh, Pháp sau đó đã không kích Syria để đáp trả.

Lãnh đạo liên Triều lập đường dây nóng đầu tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: ABC News)

Theo Yonhap, Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 20/4 chính thức mở đường dây nóng trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo cấp cao. Đường dây này sẽ kết nối từ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Seoul tới văn phòng Ủy ban đối ngoại Triều Tiên do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng đầu ở Bình Nhưỡng.

Phía Hàn Quốc đã gọi sang Triều Tiên để kiểm tra đường dây và khẳng định không có vấn đề về mặt kỹ thuật. Sau đó, Triều Tiên cũng gọi lại để xác nhận kết nối. Theo các quan chức, toàn bộ cuộc gọi thử kéo dài hơn 4 phút.

Nhà Xanh (Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) cho biết, đường dây nóng trực tiếp sẽ giúp ích cho việc xuống thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhà Xanh cũng cho rằng những căng thẳng giữa 2 miền từ trước đó phần lớn do hiểu nhầm hoặc do thiếu sự liên lạc.

Điện thoại của phía Hàn Quốc kết nối với Triều Tiên được đặt ngay trên bàn làm việc của Tổng thống Moon. Nhà Xanh cho biết dự kiến ông Moon và ông Kim sẽ có cuộc điện đàm trước khi hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều diễn ra vào ngày 27/4 tới.

Hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Đây là đường dây nóng trực tiếp đầu tiên kết nối giữa 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ đó tới nay.

Cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều ngày 27/4 tới đây sẽ được tổ chức tại khu biên giới liên Triều bên phía Hàn Quốc. Nếu cuộc gặp diễn ra theo đúng lịch trình dự kiến, thì ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc từ sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.