Vừa qua, phía Hàn Quốc đã đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tạm thời chưa ký kết gia hạn Bản ghi nhớ về hợp tác lao động (đã hết thời hạn vào tháng 9/2012) để hai bên phối hợp các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng nhưng không về nước.
Trong thời gian chưa ký kết gia hạn thỏa thuận, phía Hàn Quốc tạm thời chưa giới thiệu lao động mới cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Những lao động về nước đúng thời hạn vẫn được tiếp tục sang làm việc tại Hàn Quốc theo chính sách ưu đãi đối với "lao động trung thành" của Hàn Quốc.
Lao động về nước đúng hạn đang được doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN phỏng vấn
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thì mỗi năm Hàn Quốc tiếp nhận khoảng 13.000 lao động, nếu Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động, thì mỗi năm Việt Nam sẽ có một số lượng người lao động không có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc.
Về thu nhập, nếu tính bình quân mỗi đầu người lao động gửi về nước 1.000 USD/tháng thì số lao động đi trong một năm sẽ gửi về nước khoảng 160 triệu USD. Nếu Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam thì hàng năm đất nước sẽ mất đi khoản ngoại tệ này.
Hiện nay, trên 12.000 người đã đạt kết quả kiểm tra trong năm 2010 và 2011 cũng bị thiệt thòi do đã đầu tư học tiếng Hàn, đạt mọi điều kiện để đi làm việc tại Hàn Quốc mà không đi được.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, thời gian tới đây, bên cạnh việc tiếp tục triển khai những giải pháp tuyên truyền, vận động lao động hết hạn về nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu để ban hành các chính sách nhằm ràng buộc trách nhiệm của người lao động và gia đình người lao động như chính sách ký quỹ, bảo lãnh đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc...
Đặc biệt, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội sẽ xem xét để báo cáo Chính phủ không cho phép lao động thuộc các tỉnh có tỷ lệ lao động tại Hàn Quốc hết hạn không về nước trên 40% được sang Hàn Quốc làm việc. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để yêu cầu phía Hàn Quốc có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp.
Song song với việc cải thiện các cơ chế nhằm ràng buộc trách nhiệm của lao động của Việt Nam, Hàn Quốc cũng đưa ra những chính sách khuyến khích lao động về nước đúng thời hạn.
Theo Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết Hàn Quốc sẽ tổ chức kiểm tra tiếng Hàn hàng quý cho những lao động về nước đúng hạn để có thể quay trở lại Hàn Quốc làm việc nhanh chóng. Những lao động làm việc liên tục cho một chủ sử dụng trong thời gian 4 năm 10 tháng sẽ được làm các thủ tục tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc và miễn tham dự kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn.
Ông Phan Văn Minh cho biết, trong tháng 10 sẽ có 250 lao động trung thành về nước đúng hạn sẽ được trở lại Hàn Quốc làm việc theo chính sách mới của Hàn Quốc.
Đối với lao động về nước đúng hạn có nguyện vọng muốn được ở lại quê hương làm việc sẽ được tư vấn khởi nghiệp, giới thiệu việc làm trong các công ty Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Tại Hội chợ việc làm dành cho người lao động trở về từ Hàn Quốc do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc vừa tổ chức trong tháng 10, đã có 120 lao động về nước đúng hạn được các Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tuyển dụng.
Những lao động trung thành được phía Hàn Quốc tiếp tục tuyển dụng là tín hiệu tốt để khích lệ lao động về nước đúng hạn./.