(Baonghean) - “Thiếu định hướng lâu dài, không thu hút được các tài năng thể thao” - đó là đánh giá quen thuộc trong các báo cáo hàng năm của ngành VH-TT. Để xây dựng được một chiến lược phát triển thể thao thành tích cao mang tính toàn diện và lâu dài, trước mắt rất cần cơ chế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...
Trong năm 2016, các VĐV thể thao thành tích cao Nghệ An đã giành được hơn 190 huy chương các loại, trong đó có 51 HCV, 75 HCB và 169 HCĐ. Trong số này có 26 tấm huy chương ở các giải quốc tế, châu Á, Đông Nam Á và quốc tế mở rộng.
Có những tấm huy chương đạt được đã mang lại vinh quang, danh dự của xứ Nghệ, thể hiện sự nỗ lực, tinh thần vì sắc áo quê hương, không ngại khó, ngại khổ của các VĐV, HLV và Ban lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Nghệ An, tiêu biểu như tấm HCV môn cầu mây nội dung bộ 3 nữ của 2 VĐV Trần Hồng Nhung, Nguyễn Thị My và môn bi sắt của VĐV Nguyễn Văn Quang tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á; tấm HCB và HCĐ của VĐV Lê Thị Thắm ở Giải vô địch cử tạ châu Á...
Năm 2016 cũng chứng kiến sự tiến bộ của nhiều môn thể thao của Nghệ An như cầu mây (2 HCV vô địch quốc gia), vovinam (2 HCV vô địch quốc gia, 2 HCV vô địch trẻ quốc gia), pencak silat (1 HCV vô địch quốc gia, 4 HCV vô địch trẻ quốc gia)…
Đã xuất hiện những gương mặt trẻ nhiều triển vọng như Phan Văn Nghĩa (wushu), Võ Xuân Hải (cổ truyền), Trần Anh Tuấn (Vovinam)...
Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan, năm 2016, thể thao thành tích cao của Nghệ An không khởi sắc như mong đợi. Trong số gần 300 huy chương các loại chỉ có 91 huy chương từ các giải quốc tế và giải vô địch quốc gia, còn lại có đến 204 huy chương là từ các giải cúp CLB, các giải lứa tuổi, giải khu vực - những giải đấu có tính cạnh tranh không cao và chất lượng chuyên môn thấp.
Ngoài ra, có một số môn có dấu hiệu chững lại, thậm chí thành tích đi xuống như karatedo, taekwondo, vật… Một số VĐV trọng điểm, được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng thành tích trong năm qua không được như mong đợi, điển hình như Lê Công Tài (đá cầu), Phạm Thanh Phong, Nguyễn Thị Lành, Lô Thị Liễu (bi sắt)...
Phải khách quan nhìn nhận rằng, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT tỉnh - nơi chịu trách nhiệm về thi đấu của thể thao đỉnh cao Nghệ An tại các giải toàn quốc, quốc tế đã nhiều cố gắng trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng VĐV.
Tuy nhiên, giống như cái áo quá chật, rất cần cơ chế mới để bứt phá, giành thành tích cao hơn cho thể thao thành tích cao Nghệ An, đặc biệt là cơ sở vật chất và chế độ cho VĐV.
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cho ngành Thể thao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tập luyện và thi đấu đỉnh cao. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi tham quan điểm tập luyện của các bộ môn. Ví như các môn võ luôn được xem là môn thể thao thế mạnh của tỉnh trên các đấu trường trong và ngoài nước nhưng các bộ môn này vẫn thiếu khá nhiều dụng cụ, trang thiết bị, nhất là không có sàn tập luyện đạt chuẩn.
Ngoài công trình nhà tập luyện taekwondo do tổ chức hợp tác quốc tế KOICA (Hàn Quốc) tài trợ, ở các môn võ khác, các VĐV vẫn phải thi đấu trong những nhà khung sắt nóng bức vào mùa nắng, dột ẩm về mùa mưa hay dưới các phòng chức năng chật chội của SVĐ Vinh với nhiều dụng cụ tập luyện cũ nát...
Bên cạnh đó, lực lượng VĐV thành tích cao của Nghệ An hiện nay rất mỏng. Chỉ tiêu tỉnh giao là 300 VĐV nhưng hiện toàn trung tâm chỉ có 238 VĐV được hưởng chế độ, dàn trải ở 18 môn nên khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn của giai đoạn hiện nay.
Điều này khiến các đội tuyển Nghệ An tham gia các giải vô địch quốc gia thiếu hẳn sự cạnh tranh vì không có đủ VĐV tham dự các nội dung của một giải đấu. Bên cạnh đó, chế độ cho các VĐV hiện nay còn khá thấp.
Từ năm 2014, tiền ăn của các VĐV được nâng lên, tương ứng là 150.000 đồng, 120.000 đồng và 90.000 đồng đối với VĐV đội tuyển tỉnh, VĐV tuyển trẻ và VĐV năng khiếu, nhưng so với nhiều tỉnh, thành khác thì con số này là khá thấp.
Nhiều HLV tâm sự rằng: Chỉ có những em thực sự đam mê mới theo nghiệp thể thao. Bởi chế độ ưu đãi, chế độ ăn, tập luyện còn thấp khiến nhiều vận động viên nản lòng, có ý định nghỉ thi đấu, dẫn đến không đạt được thành tích cao.
Đã đến lúc, ngành Văn hóa - Thể thao cần sớm triển khai quy hoạch lĩnh vực thể dục thể thao tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng 2030; bổ sung nguồn kinh phí, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất TDTT cho các huyện, thị xã, thành phố để tạo tiền đề cho sự phát triển các môn thể thao thế mạnh.
Bên cạnh đó, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách tỉnh đầu tư, những người làm thể thao cần năng động, đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là một số môn thể thao mang tính phong trào cao như bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bơi lội... để có thêm kinh phí đầu tư cho những môn trọng điểm, thế mạnh của Nghệ An ở các sân chơi thể thao thành tích cao.
Minh Quân