Bất ngờ duy nhất của thị trường và ngành sản xuất xe máy Việt Nam năm vừa qua chính là sự sụt giảm thê thảm từ sức mua thực tế đến sản lượng sản xuất.
 
images918273_3.jpg2013 được xem là một trong những năm các hãng xe máy rầm rộ tung ra sản phẩm mới nhất.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng sức mua trên thị trường xe máy năm 2013 chỉ đạt khoảng 2,8 triệu chiếc, tụt khá xa so với con số 3,1 triệu chiếc của năm 2012. Ngay như năm 2012, lượng xe bán ra cũng đã bị sụt giảm 6,6% so với năm liền kề trước đó. Có nghĩa, thị trường xe máy Việt Nam đã có ít nhất 2 năm liên tiếp sụt giảm với dấu hiệu tăng nhanh về tốc độ.
 
Trao đổi với phóng viên, đại diện hầu hết các hãng xe máy đều cho biết sản lượng sản xuất đều bị đuối so với năm trước và cách khá xa so với năng lực sản xuất thực.
 
Vài nguồn tin tiết lộ rằng, có một tỷ lệ rất chung ở các hãng xe máy trong năm 2013 là dư thừa đến quá nửa công suất.
 
Hãng xe chiếm thị phần lớn nhất là Honda, dù lượng bán ra trong năm hầu như không giảm, đạt khoảng 1,9 triệu chiếc, song với việc phải tiếp tục lùi thời điểm đưa nhà máy mới tại Hà Nam vào hoạt động dự kiến đến cuối quý 1/2014 xem ra đã là một “cực hình”.
 
Các hãng xe khác, từ đại gia như Yamaha hay Piaggio, đến những hãng xe yếu hơn như Suzuki, SYM cũng đều rơi vào cảnh dư thừa trên 50% công suất.
 
Tuy vậy, nếu so với xe nhập khẩu thì nỗi buồn của các liên doanh và nhà sản xuất trong nước vẫn chưa thấm vào đâu.
 
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ có 18.866 xe máy nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2013, đạt giá trị kim ngạch gần 42,3 triệu USD, giảm đến 49,5% về lượng và giảm 40,3% về giá trị so với năm 2012.
 
Tất nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác thì việc giảm kim ngạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc cũng là một tín hiệu đáng mừng. Bởi khác với ôtô, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế hàng đầu thế giới về công nghiệp xe máy, do vậy giảm nhập khẩu cũng sẽ là cơ hội tăng xuất khẩu. Vấn đề là sự sụt giảm mạnh mẽ về kim ngạch nhập khẩu năm vừa qua đã chỉ ra một vấn đề khác lớn hơn, đó là dung lượng thị trường.
 
Lưu ý là trong năm 2013 đã hầu như không có đột biến gì về chính sách đối với mặt hàng này. Trong khi đó, xe máy và ôtô vốn là hai mặt hàng thường thể hiện rõ nét nhất sự trồi sụt mạnh mẽ trước mỗi biến động.
 
Đại diện một nhà phân phối xe máy mới tại Việt Nam nhận định rằng, việc sức mua xe máy thời gian qua rơi vào ảm đảm là do nền kinh tế vẫn chưa thật sự hồi phục, khó khăn vẫn còn hiển hiện trước mắt cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Nhưng xem ra, nhận định này chưa sát thực tế. Bởi nếu như vậy, sẽ rất khó để lý giải vì sao cùng trong bối cảnh kinh tế ấy, sức mua ôtô lại tăng đến 19% so với năm 2012.
 
Cũng có thể đặt ra một nguyên nhân khác là bản thân các sản phẩm đang yếu về sức hấp dẫn và thiếu về mẫu mã mới? Càng không đúng, vì 2013 được xem là một trong những năm các hãng xe máy rầm rộ tung ra sản phẩm mới nhất. Với Honda là Lead 125, Air Blade 125 magnet, Vision thế hệ mới và SH Mode hoàn tòan mới; với Yamaha là bộ sưu tập thế hệ mới từ Sirius, Luvias GTX, Exciter, Nouvo, Nozza đến Jupiter FI; với Piaggio là các mẫu xe thời trang đầy ấn tượng về thiết kế và công nghệ như Vespa LXV 3V i.e, Libety 3V i.e mới và đến cuối năm là bộ đôi Vespa Primavera, GTS Super...
 
Vậy, xem ra chỉ còn một nguyên nhân đáng để suy ngẫm nữa là khả năng thị trường đã rơi vào bão hòa sớm. Và nếu đây là lý giải chính xác, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam sẽ buộc phải thực hiện ngay và quyết liệt một chiến lược được nhận định là đúng sở trường và hợp xu hướng: Xuất khẩu.
 
Theo thoibaokinhte