Bộ phim độc lập của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts kể về ba cậu bé bỏ nhà vào rừng sống, gợi nhiều liên tưởng tới tác phẩm “Into the Wild”.
The Kings of Summer được chú ý khi nằm trong danh sách đề cử của Liên hoan phim Sundance 2013 – cái nôi phát hiện những tài năng điện ảnh của phim độc lập. Với kinh phí hơn một triệu USD cùng dàn diễn viên khá “lạ mặt”, Jordan Vogt-Roberts mang đến nhiều hơn những gì khán giả mong đợi trong dự án phim độc lập lần thứ ba của mình.
The Kings of Summer kể câu chuyện vừa lạ, vừa quen về tuổi trưởng thành. Joe Toy là một thiếu niên mới lớn, đang loay hoay thích nghi và đối phó với những vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì. Cậu không tìm được sự đồng cảm, tiếng nói chung với bố. Thậm chí, sự hà khắc, áp đặt của bố khiến Joe nhiều lần muốn bỏ nhà. Đồng cảm với Joe là Patrick – cậu bạn may mắn hơn có một gia đình đầy đủ nhưng hoàn toàn lạc lõng trong chính mái ấm của mình.
Cùng cậu nhóc lập dị Biaggio, Joe và Patrick nhận ra: “Tại sao phải chấp nhận một cuộc sống như thế?” (Why live when you can rule). Nhóm bạn quyết định làm một cuộc “cách mạng” đầu đời bằng việc bỏ nhà vào rừng, sống tự do như mình mong muốn.
Cốt truyện về những rắc rối và khát vọng nổi loạn tuổi vị trưởng thành trong bộ phim dễ khiến khán giả liên tưởng đến câu chuyện có thật đã đi vào cả văn học lẫn điện ảnh – Into the Wild. Cả câu chuyện đáng buồn về chàng trai trẻ đang đứng trước tương lai rộng mở nhưng phải chịu một cái kết bi thương (chết cô độc trong rừng) lẫn câu chuyện về ba cậu bé trung học không tìm thấy nhà là nơi để trở về trong The Kings of Summer đều đề cập đến ước mơ tự do của tuổi trẻ trước những định kiến, rào cản từ gia đình, xã hội. Cha mẹ đóng vai trò gì trong cuộc đời của con cái cho đến tuổi trưởng thành, cũng như con cái thực sự cần gì ở cha mẹ để vượt qua bước ngoặt đầu đời là những vấn đề mà các đạo diễn cùng đặt ra.
Nếu như Christopher McCandless của Into the Wild là ví dụ điển hình về bi kịch tinh thần của tuổi trẻ trước những định kiến xã hội, mâu thuẫn thế hệ và sức mạnh chi phối của đồng tiền thì ở cấp độ thấp hơn, Joe hay Patrick của The Kings of Summer cũng gặp phải chịu đựng những khủng hoảng trong việc giao tiếp hàng ngày với cha mẹ và đối mặt với cuộc sống thiếu tự do. Những chàng trai mới lớn bắt đầu có nhu cầu thực sự về cuộc sống riêng tư nhưng vẫn bị người cha giục ở cửa phòng tắm, bị bắt ăn món thịt cừu hầm và tham gia trò chơi gia đình vào buổi tối thay vì ra ngoài cùng bạn bè.
Sự thiếu vắng tình cảm của mẹ cùng với sự vô tâm, ích kỷ của người cha hung hãn khiến Joe hơn một lần gọi tới cảnh sát để cầu cứu. Cuộc sống cầm tù trong chính gia đình mình khiến Joe, Patrick hay những bạn bè đồng trang lứa trỗi dậy ham muốn nổi loạn. Tiếng trống sôi nổi, giòn giã ở cảnh mở đầu bộ phim chính là tiếng trống “xung trận” kêu gọi phá rào cản, sống tự do của nhóm bạn trẻ đang quẫy đạp để trưởng thành này.
Trên một phương diện tích cực khác, The Kings of Summer có nét gần gũi với The Way Way Back của hai đạo diễn Nat Faxon, Jim Rash - sản xuất cùng năm 2013. Các bộ phim đều nói về những mùa hè rực rỡ của tuổi trẻ. Đó là những tháng ngày rời ghế nhà trường, những công việc làm thêm đầu tiên, những rung động đầu tiên và những bài học đáng nhớ về tình bạn… Theo cách ấy, The Kings of Summer không còn là một bộ phim nặng nề, căng thẳng nảy sinh từ những mâu thuẫn gia đình. Những cảnh quay đẹp mắt, góc máy thấp dội ngược lên bầu trời rực rỡ của mùa hè khiến người xem cảm giác như đang được chiêm ngưỡng một bài ca về tuổi trẻ xanh mướt giữa núi rừng và thiên nhiên.
Nick Robinson, Gabriel Basso và Moises Arias đều là những gương mặt mới được đạo diễn tin tưởng gửi gắm vào vai ba nhân vật chính. Diễn xuất tự nhiên với những cảm xúc “tự có” của tuổi mới lớn khiến các chàng trai trở thành bộ ba khá sinh động và ăn ý. Một gương mặt quen thuộc từng được biết đến trong series Jump Street là Nick Offerman vào vai ông bố hà khắc, cau có loay hoay với những vấn đề của cậu con trai mới lớn. Đây là nhân vật mà các bậc phụ huynh tìm thấy nhiều đồng cảm, cả theo cách bất bình lẫn cảm thông trong phim.
Ca khúc chủ đề của bộ phim – The Youth - sau đó cũng được chia sẻ rộng rãi như một bài ca đẹp về tuổi trẻ với những khát khao tự do. The Kings of Summer cùng xuất phát điểm với Into the Wild ở nỗi bất mãn của tuổi trưởng thành nhưng đã “hạ cánh” an toàn với cái kết tươi sáng hơn khi những chàng trai tìm thấy ý nghĩa của gia đình, tình bạn ở cuối hành trình.
Điệp khúc “Tại sao phải chấp nhận một cuộc sống như thế?” vẫn cứ vang lên như tiếng trống dồn dập, thúc giục trong lồng ngực tuổi trẻ vào mỗi mùa hè. Nhưng khi đi qua tuổi trưởng thành, những vấn đề sẽ được nhìn nhận và giải quyết theo một cách khác. Bộ phim chính vì thế sẽ là một điều gì đó đáng nhớ chứ không quá ám ảnh và dằn vặt như câu chuyện đáng buồn về chàng trai trẻ McCandless của Into the Wild.
* Trailer phim "The Kings of Summer" |
* Bài hát nhạc phim: "The Youth" |
Theo VNE